Cá chết trên sông Cầu là do thiếu ôxy

Liên quan đến tình trạng cá chết trên sông Cầu, đoạn qua xã Dũng Liệt và Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/3, ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Phong cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định cá chết là do thiếu oxy.

Lượng oxy đo tại lồng nuôi đạt 0,85-2,35 mg/lít, trong khi để đảm bảo cho cá nuôi trong lồng sinh trưởng và phát triển tốt phải trên 4mg/lít.

Theo ông Hợi, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiều nơi khu vực Bắc Bộ thời tiết có mưa, trời nhiều mây, nền nhiệt độ duy trì từ 19-21 độ C, không thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cá thả nuôi. Nước sông duy trì ở mức thấp dẫn đến các chỉ tiêu vật lý, hóa học trong nước rất dễ thay đổi đột ngột, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cá nuôi.

Dự báo những ngày tới trời tiếp tục có mưa giông, do vậy, nguy cơ dịch bệnh, thời tiết tác động xấu đến cá nuôi lồng trên sông rất lớn. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng chủ động dự phòng nguồn vật tư thường xuyên cho cá (cám nổi, hóa chất, thuốc phòng trị bệnh). Mỗi cụm lồng nuôi cần  lắp đặt hệ thống sục khí oxy và dự phòng từ 1-2 máy thổi khí hoặc máy bơm nước để sử dụng. Bên cạnh đó, người nuôi cần dự phòng bao nilon, bao tải và bình oxy để vận chuyển cá đến nơi an toàn khi cần thiết.

Các địa phương hướng dẫn hộ nuôi, khi phát hiện cá nổi đầu trên mặt lồng, bơi lờ đờ, đầu hướng vào đầu nguồn nước chảy cần xác định nguyên nhân. Nếu do thiếu oxy thì cần vận hành hệ thống sục khí, máy bơm để cung cấp oxy cho cá. Nếu nhận thấy cá trong lồng không an toàn cần vận chuyển ngay đến các ao, cụm lồng nuôi có môi trường nước đảm bảo và có thể tiến hành thu hoạch...

Trước đó, từ ngày 17-20/3, cá nuôi lồng (chủ yếu là cá trắm cỏ) của nhiều hộ nuôi trên sông Cầu, đoạn qua xã Dũng Liệt và Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bị chết hàng loạt. Ông An Đình Du - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Lương Cầm, xã Dũng Liệt cho biết, hiện hợp tác xã có 16 hộ nuôi với 30 lồng cá. Khoảng thời gian này, cá chết ở tất cả các hộ nuôi, lên tới hơn 20 tấn. Đây là lần đầu tiên cá của hợp tác xã có hiện tượng chết hàng loạt. Hiện hợp tác xã đã thống kê thiệt hại; đồng thời đề xuất lên cơ quan chức năng để có phương án hỗ trợ người dân.

Những ngày này, gia đình bà Phạm Thị Lý, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt như "ngồi trên đống lửa" khi toàn bộ cá trong lồng bị chết với số lượng gần 4 tấn, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vụ này, nhà bà nuôi gần 2.500 con cá trắm cỏ với trọng lượng trung bình từ 1,3-1,5 kg/con. Cá đang khỏe mạnh tự dưng chết nổi trắng lồng. Dù gia đình đã sử dụng máy sục khí nhưng cũng không thể cứu được.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng, xã Dũng Liệt cũng bị chết 1,5 tấn cá với thiệt hại ước khoảng 100 triệu đồng. Khi thấy hiện tượng cá lờ đờ nổi trên mặt nước, ông đã sử dụng máy tạo oxy và thuốc để chữa trị nhưng cá vẫn chết nhiều. Được sự hướng dẫn của cán bộ Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, gia đình sử dụng các loại thuốc chữa trị, tăng cường máy sục khí, đồng thời mở thêm các cửa để tạo oxy cho cá. Đến nay, cơ bản những lồng cá của gia đình đã ổn định, không còn bị chết nhiều như trước.

Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Cá chết nổi trắng hồ Đại An là do thiếu ô xy nghiêm trọng
Cá chết nổi trắng hồ Đại An là do thiếu ô xy nghiêm trọng

Ngày 15/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị nhận định nguyên nhân cá chết ở hồ Đại An, thành phố Đông Hà vào ngày 7/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN