Bất cập về quy định pháp luật Trạm thu phí cầu Đồng Nai đã thông thoáng hơn, các phương tiện không phải chờ lâu và xếp hàng kéo dài. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT và BT (xây dựng, chuyển giao) vừa được công bố đầu tháng 9 vừa qua đã chỉ ra những bất cập của việc đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải coi nặng tiêu chí hoàn vốn, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của người tham gia giao thông.
Chính vì vậy, các dự án đã quyết định đầu tư bằng hình thức BT, BOT hầu hết thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn. Một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn đối với người tham gia giao thông, làm họ không có sự lựa chọn khác. Chẳng hạn là các khu vực Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hoà Bình…
Những bất hợp lý của các dự án BOT đã làm phát sinh tình trạng người dân tìm cách tránh trạm thu phí, đi vào đường ngang, ngõ tắt, gây hư hại đường xá địa phương và nguy cơ mất an toàn giao thông.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ còn khẳng định, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án thiếu chuẩn xác. Doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí sẽ kéo dài.
Ngoài ra, một vấn đề mấu chốt liên quan đến tính minh bạch trong quá trình đầu tư được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Đó là từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu; trong đó, có nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án.
“Những bất cập đó theo từng góc độ đều ảnh hưởng nhất định đến lợi ích nhà đầu tư, Nhà nước và đặc biệt là tạo áp lực về giá phí cao đối với người dân tham gia giao thông và chi phí hoạt động vận tải. Thực tế đã xảy ra một số vụ việc người dân bức xúc và tụ tập đông người phản đối đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm”, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Có thể nói những tồn tại của các dự án BOT mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận đánh giá. Theo đó, các nhóm vấn đề về các dự án BOT được Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận là: một số trạm thu phí bố trí chưa hợp lý dẫn tới người dân không có sự lựa chọn; thông tin về dự án chưa được công bố rộng rãi tạo điều kiện cho người sử dụng giám sát; các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tính cạnh tranh chưa cao; hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện; chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài…
Nhận định về những hạn chế, vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khi thức hiện đầu tư theo hình thức này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay, một trong những vấn đề cốt lõi là quy định về hình thức đối tác công tư mới dừng lại mức nghị định nên tính ổn định của chính sách không cao và đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi xây dựng các luật, nghị định và thông tư, các cơ quan soạn thảo chủ yếu tiếp cận trên quan điểm điều chỉnh các hoạt động đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân mà chưa chú ý nhiều đến đầu tư theo hình thức đối tác công-tư nên các quy định còn bất cập.
Đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên Bộ Giao thông Vận tải cho biết, nhận thức được những vấn đề trên, thời gian qua, Bộ đã nghiên cứu, xem xét để đưa ra chính sách đồng nhất nhằm giải quyết tồn tại của các dự án BOT trên toàn quốc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trương dừng thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân và các phương tiện. Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, phải kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn đầy đủ các ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến Quốc hội…
Đối với bất cập của các trạm thu giá (trước đây là thu phí), thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá BOT trên nguyên tắc vẫn đảm bảo khả thi phương án tài chính của các dự án.
Kết quả, đến nay, đã có 35 dự án thực hiện giảm giá vé, còn lại 27 dự án không cần giảm do giá thấp hơn mức bình quân và 11 dự án chưa giảm giá vé do lưu lượng thấp hơn dự kiến trong phương án tài chính.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, thời gian vừa qua, Bộ đã thực hiện một loạt các công việc một cách hệ thống, phù hợp với quy định của pháp luật để làm cho các dự án BOT trở nên minh bạch hơn, trong tất cả các khâu (từ giai đoạn chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, đến quá trình xây dựng và khai thác (thu phí) dự án). Điều đó thể hiện ở việc đề xuất với cơ quan kiểm toán tiến hành kiểm toán đối với tất cả các dự án BOT. Trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án, đồng thời với việc giám sát chặt chẽ hơn quá trình thu phí.
Trong quá trình triển khai thu giá dịch vụ các dự án BOT, hình thức thu phí lượt trên các tuyến quốc lộ còn tồn tại, hạn chế do chưa đảm bảo tuyệt đối công bằng đối với người dân. Điều này đã dẫn đến tình trạng người dân tập trung phản đối tại các trạm thu phí BOT diễn ra thời gian qua như: Trạm thu phí cầu Bến thuỷ (Nghệ An), Trạm thu phí cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Trạm thu phí Lương Sơn (Hoà Bình), Trạm thu phí Quốc lộ 32 (huyện Tam Nông, Phú Thọ), Trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)... và mới đây nhất là Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5 (Hải Phòng)….
Để đảm bảo tính tổng thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát tất cả các trạm, kể cả những trạm người dân chưa phản đối để có chính sách miễn, giảm giá thống nhất đảm bảo tính công bằng đối với các phương tiện của người dân xung quanh trạm thu giá trên toàn quốc.
Về tình trạng chỉ định thầu trong các dự án BOT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, công tác lựa chọn nhà đầu tư ở tất cả dự án BOT giai đoạn 2011-2015 đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đều tuân thủ quy định tại Điều 14 Nghị định 108/2009 của Chính phủ (dự án cấp bách được Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc sau khi hết thời hạn 30 ngày công bố danh mục dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký).
“Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận hạn chế trong giai đoạn vừa qua, mặc dù thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao, nhưng còn nhiều dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Bên cạnh đó, thông tin chưa đến được với người dân và các tổ chức xã hội do hình thức tuyên truyền, công bố thông tin chưa thích hợp nên còn có nhiều quan điểm khác nhau về tính công khai, minh bạch. Các hạn chế này đã được khắc phục ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư”, Thứ trưởng Đông chia sẻ.
Đồng thời, để tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về các dự án PPP (thông tin về dự án, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, mức phí, thời gian thu phí…).
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát hoàn chỉnh các thể chế, chính sách về đầu tư; chính sách về phí sử dụng kết cấu hạ tầng; cơ chế tài chính của dự án PPP.
Bài cuối: Hướng đến sự hoàn thiện.