Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát, kiểm tra chất lượng tàu Cát Linh-Hà Đông

Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trực tiếp thị sát một số nhà ga, kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Chú thích ảnh
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy qua đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án đang trong giai đoạn cuối để chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành thương mại nên tổng thầu, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án.

“Người dân Hà Nội đang chờ dự án sớm đưa vào khai thác để đi lại thuận lợi, giải quyết ùn tắc giao thông. Nếu các bên không cùng nỗ lực giải quyết, vướng mắc không được tháo gỡ, dự án tiếp tục kéo dài. Các đơn vị liên quan và tổng thầu phải có kế hoạch phối hợp giải quyết. Sau cuộc họp này, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) phải liệt kê ra các công việc, những vướng mắc và chỉ rõ đơn vị nào giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu, tổng thầu của dự án phải thực hiện đầy đủ các công việc từ vận hành thử, đào tạo, xây dựng quy trình trì, bảo dưỡng... theo hợp đồng. Vì vậy, tổng thầu có trách nhiệm chính trong việc kết thúc dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tích cực tổng thầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn cụ thể cho tổng thầu, Ban Quản lý dự án đường sắt  về sát hạch, cấp giấy phép lái tàu và các chức danh công việc. Công ty Metro Hà Nội thường xuyên nắm bắt tình hình về đào tạo, tay nghề của các nhân lực đang được đào tạo thực hành và tiếp nhận bàn giao lâm quản từng phần để chuẩn bị cho vận hành dự án.

“Bộ Giao thông Vận tải, người dân mong muốn dự án sau khi vận hành thử 3-6 tháng có thể hoàn thành để đi vào khai thác thương mại. Vì vậy, tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019. Dự án được đưa vào vận hành thương mại phải được chứng nhận an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Trước đó, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) báo cáo, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục hoàn thiện công trình ga, Depot và một số hạng mục thiết bị; trong đó, có hạng mục thẻ vé tự động AFC liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án.

Hiện Ban Quản lý dự án đang tiến hành họp giao ban hàng tuần với các đơn vị liên quan như: Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Metro Hà Nội, tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá chất lượng an toàn hệ thống; đồng thời, bố trí các văn phòng tại Depot để đôn đốc thi công, nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận từng phần dự án.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án được vận hành thử từ 20/9/2018, dự kiến hoàn thành sau 3-6 tháng, nhưng đến nay chưa hoàn thành căn chỉnh liên động 5 chuyên ngành thông tin, tín hiệu, đoàn tàu, điện lực và đường ray. Các chuyên ngành khác như thang máy, thẻ vé, điều hòa thông gió... cũng đang chờ thi công xong để nghiệm thu đưa vào vận hành thử.

Liên quan đến công tác đào tạo nhân sự thực hành tại dự án, một số bộ phận như: lái tàu và điều động chạy tàu đang được đào tạo thực hành tại dự án. Còn một số bộ phận do chuyên ngành thiết bị chưa đưa vào sử dụng, chưa được thực hành trực tiếp trên thiết bị nên chưa đáp ứng theo kế hoạch. Về phương tiện và người lái, dự án còn thiếu hồ sơ kỹ thuật để chứng nhận đăng kiểm đoàn tàu.

Về phía tổng thầu, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án cho biết đang gặp một số khó khăn dẫn đến chậm tiến độ như: chưa có sự thống nhất giữa các bên liên quan trong việc thay đổi tham số thiết bị dự án, phê duyệt vật liệu bổ sung, chậm được giải ngân, thanh toán...

Liên quan đến chuẩn bị đưa dự án vào khai thác, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Mettro Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận dự án để vận hành, khai thác)  cho biết, dự án không có hạng mục trang bị thiết bị văn phòng như: bàn, ghế... nên cần được xem xét, giải quyết; cần có tiêu chí kết quả đào tạo vận hành thương mại làm cơ sở để đánh giá trình độ nhân lực.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. 

Dự án bao gồm các hạng mục: xây dựng 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.

Quang Toàn (TTXVN)
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ trợ giá vé để khuyến khích người dân
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ trợ giá vé để khuyến khích người dân

Tại buổi tọa đàm “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động thế nào?” do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 10/8, tại Hà Nội đã cung cấp những thông tin mới nhất về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thương mại thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN