Bên cạnh những giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thì việc bảo đảm chất lượng công trình được Bộ Giao thông Vận tải đặt lên hàng đầu. Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xung quanh vấn đề này.
Xin Bộ trưởng chia sẻ những giải pháp của ngành giao thông trong thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư?
Trong 4 năm tới, mỗi năm, ngành giao thông vận tải được giao giải ngân số vốn đầu tư công khoảng 80 nghìn tỷ đồng, đây sẽ là áp lực rất lớn. Cùng với các cơ chế, chính sách được Quốc hội, Chính phủ cho phép, Bộ Giao thông vận tải xác định một số giải pháp trọng tâm; trong đó, đối với nhà thầu phải quyết liệt, nếu không bảo đảm tiến độ cam kết sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo, sau đó là cắt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh hợp đồng, cấm đấu thầu. Nhà thầu sau khi trúng thầu phải triển khai công việc nghiêm túc. Với các ban quản lý dự án, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phải cam kết tiến độ, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác đó là việc Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án. Dự án nào giải ngân tốt được bổ sung vốn, dự án nào chậm sẽ điều chuyển vốn. Ban quản lý dự án nào giải ngân chậm sẽ cắt vốn để chuyển sang ban khác. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các dự án để tháo gỡ vướng mắc, tăng cường tiến độ giải ngân.
Quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông luôn được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn những "hạt sạn", những sự cố xảy ra trong quá trình triển khai. Bộ trưởng có thể cho biết vì sao vẫn còn những sự cố như vậy?
Trước tiên, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải về xử lý các vụ việc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình giao thông là rõ ràng và thông suốt. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải sẽ xử lý nghiêm, triệt để, đúng quy định pháp luật liên quan đến chất lượng công trình giao thông và không có vùng cấm.
Về quản lý chất lượng công trình, hiện nay, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên ngành về quản lý chất lượng đã được pháp luật quy định rõ. Điều này thể hiện cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan triển khai, trách nhiệm của tư vấn, trách nhiệm của giám sát, trách nhiệm của nhà thầu…
Chúng ta cũng biết rằng, dự án giao thông thường là những dự án lớn, có địa chất phức tạp, kết cấu và tải trọng cũng rất phức tạp, đòi hỏi tư vấn thiết kế, tư vấn khảo sát phải làm đúng chức năng nhiệm vụ để thu thập số liệu tính toán chính xác, kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật, từ đó đưa ra các giải pháp thi công đảm bảo.
Do đó, đối với các chủ đầu tư muốn công trình đảm bảo chất lượng, trước tiên phải chọn được tư vấn giỏi, tư vấn mà am hiểu, có kinh nghiệm sẽ giúp các dự án đảm bảo chất lượng đề ra. Tránh tính trạng công trình kém chất lượng do sai sót từ tư vấn hay công trình không đảm bảo chất lượng do tư vấn giám sát kém.
Chúng ta cũng thấy rằng, nếu chủ đầu tư chọn các nhà thầu yếu không đúng quy trình, quy định, kém về năng lực, kinh nghiệm thì rất dễ xảy ra các vấn đề về chất lượng công trình, hậu quả khó lường.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng các dự án đều phải đặt vấn đề chất lượng công trình lên hàng đầu.
Để cảnh báo từ xa đối với các địa phương, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các địa phương khi giao các dự án cho các ban quản lý dự án cũng phải đánh giá năng lực kinh nghiệm của đội ngũ nhân lực, nếu đủ kinh nghiệm, năng lực thì giao còn nếu không thì phải giao cho các ban có năng lực chuyên nghiệp khác. Khi ban quản lý dự án có kinh nghiệm, chuyên nghiệp sẽ giúp chủ đầu tư chủ động hơn trong việc kiểm soát chất lượng công trình.
Bộ Giao thông vận tải sẽ kiên quyết xử lý các nhà thầu để xảy ra vi phạm về chất lượng công trình; yêu cầu nhà thầu khắc phục hư hỏng xảy ra, xử phạt theo quy định hợp đồng. Nếu vi phạm đến mức phải chấm dứt hợp đồng, nhà thầu đó sẽ bị cấm tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông.
Để đảm bảo chất lượng công trình, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường các giải pháp nào thưa Bộ trưởng?
Bộ Giao thông vận tải đã thiết kế vận hành một hệ thông quản lý chất lượng từ cấp cao nhất là lãnh đạo Bộ, rồi đến Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, các vụ, lãnh đạo các cơ quan đơn vị, đặc biệt là lãnh đạo các chủ đầu tư.
Hệ thống này vận hành thông suốt từ lãnh đạo Bộ cho đến người thực hiện. Để vận hành hệ thống này, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã họp liên tục để đưa ra các chỉ đạo, đảm bảo tất cả các cơ quan nằm trong hệ thống thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ. Từ việc lập dự án cho đến thiết kế, tổ chức thi công, giám sát vận hành dự án phải đúng quy định của pháp luật.
Hệ thống này sẽ tổ chức họp thường xuyên, định kỳ nhằm ra soát, tổng kết đánh giá tiến độ, chất lượng của từng dự án. Bất cứ sự cố, sự việc nào phải được công khai để có những giải pháp xử lý ngay, không để đến giai đoạn cuối mới phát hiện được và xử lý thì quá muộn, hậu quả sẽ rất lớn.
Lãnh đạo Bộ thường xuyên cảnh báo đến tất cả những đối tượng tham gia dự án về nguy cơ có thể xảy ra đối với chất lượng công trình, việc chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các sự cố về công trình…
Như vậy, để đảm bảo chất lượng công trình thì từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công... của các dự án đều phải được kiểm tra, rà soát chặt chẽ, nghiêm ngặt theo đúng quy định. Bộ Giao thông vận tải luôn xác định việc đảm bảo chất lượng công trình là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!