Trước hết, xin Bộ trưởng cho biết lý do Bộ Tài chính Việt Nam chọn Vương Quốc Anh là địa điểm xúc tiến đầu tư?
Tiếp theo các cuộc xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc các năm trước đây, năm nay, Bộ Tài chính chọn châu Âu, đặc biệt là thị trường tài chính London, Vương quốc Anh với một số lý do. Trước hết, yêu cầu về phát triển thị trường tài chính của Việt Nam trong tình hình hiện nay là rất lớn, để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho nền kinh tế cũng như yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn 2018-2020, có trên 90 doanh nghiệp, chủ yếu là các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước, phải cổ phần hóa, nhưng cần chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực về vốn, công nghệ mới cũng như quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, Anh có những thế mạnh để có thể phát triển doanh nghiệp Việt Nam sau cổ phần hóa. Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã làm việc với Bộ Tài chính Anh về vấn đề này. Các cuộc làm việc với ngài Bộ trưởng Tài chính Anh cũng như với Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán London (London Stock Exchange Group) và Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán London cho thấy sự lựa chọn của Bộ Tài chính Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại London là đúng đắn.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian dài đạt mức cao khoảng 6%, đặc biệt trong năm 2016 là 6,21%, năm 2017 là 6,81% và năm 2018 là 7,08%, còn 6 tháng đầu năm nay cũng trên 6,7%. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng có độ mở lớn hơn, với kim ngạch xuất, nhập khẩu những năm gần đây gấp 2 lần GDP. Chính sách đối nội của Việt Nam là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì kiểm soát lạm phát, kiên trì quản lý bội chi, quản lý nợ công. Chúng ta đang đi rất đúng hướng, nhờ vậy đạt được các chỉ tiêu trong những năm gần đây về tăng trưởng GDP, duy trì lạm phát thấp, giảm nợ công năm 2018 xuống còn 58,6% GDP.
Trong những điều kiện đó, các nhà đầu tư cũng như giới chính khách, các nhà quản lý của Vương quốc Anh đánh giá rất cao và thể hiện sự quan tâm rất lớn đến thị trường Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đầu tư của các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh trong những năm vừa qua tuy chưa nhiều nhưng rất hiệu quả và Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hơn nữa trong giai đoạn tới.
Tiềm năng đầu tư của các nhà đầu tư Anh là rất lớn, vậy giải pháp thu hút vốn đầu tư gián tiếp của Việt Nam là gì?
Có thể nói có rất nhiều giải pháp mà trước hết phải nói đến việc chính phủ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì kiềm chế lạm phát, kiên trì những vấn đề về tài khóa, chặt chẽ tiết kiệm, phối hợp với chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy kinh doanh, kiên trì cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam. Những giải pháp chung này sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong thời gian dài. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Bộ Tài chính đã trình Quốc hội Luật Chứng khoán sửa đổi để thông qua vào kỳ họp thứ 8 tới đây. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng sẽ được sửa đổi để đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác tài chính giữa Anh và Việt Nam?
Nhu cầu về tài chính của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu, bảo hiểm và nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu vốn, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước là rất lớn. Trong những năm vừa qua, các thị trường lớn khác giảm sút, nhưng thị trường tài chính London vẫn tăng trưởng cao. Điều này đã hấp dẫn các doanh nghiệp đa quốc gia đăng ký niêm yết và huy động vốn tại đây, cho nên tính quốc tế của thị trường tài chính London là rất lớn. Nếu nhu cầu (vốn) của Việt Nam và khả năng huy động vốn của thị trường được phối hợp hài hòa, thị trường tài chính London sẽ là một kênh huy động vốn rất quan trọng và rất lớn cho kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng đánh giá thế nào về chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh?
Tôi cho rằng sau chuyến thăm này, ngoài hợp tác trong lĩnh vực tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam với Bộ Tài chính Anh, thị trường tài chính London và Sở Giao dịch Chứng khoán London, cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam sẽ lớn hơn, và điều này cũng đã được chứng minh thông qua việc một số doanh nghiệp đã vào đầu tư, kinh doanh rất hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng Tài chính Anh cũng như ngài Thị trưởng Khu tài chính London đều cho rằng việc Việt Nam rất mở cửa trong lĩnh vực tài chính thông qua các hiệp định thương mại tự do, trong điều kiện chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và dân số gần 100 triệu người sẽ mang lại tiềm năng rất lớn cho đầu tư của Anh trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!