Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, chúng ta đang trong thời đại công nghệ thương mại điện tử, nếu các ngành không hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý thì rất khó khăn cho quản lý kinh tế, quản lý xã hội nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng.
Taxi công nghệ không được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 của Chính phủ. Trước thực tế như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 24 thí điểm quản lý taxi công nghệ và sau đó tổng kết, đánh giá, sửa Nghị định 86.
Trước tình hình như vậy, Bộ Tài chính đã nghiên cứu áp dụng tối đa các quy định pháp luật quản lý thuế và các luật thuế hiện hành để quản lý thu thuế taxi công nghệ thông qua công tác tuyên truyền, công tác hỗ trợ, thanh tra và kiểm tra.
Theo quy định hiện hành, kinh doanh vận tải điện tử công nghệ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về quản lý thuế. Pháp luật về thuế áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp như là thuế suất, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn giảm. Theo đó, doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp Grap, Vinasun, Mai Linh nộp thuế theo phương pháp kê khai và tỷ lệ trên doanh thu.
Áp dụng với nhà thầu nước ngoài như Uber thì không đáp ứng được điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai. Các tổ chức không phải là doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Các đơn vị này xác định được doanh thu, nhưng không xác định được chi phí thu nhập hoạt động của doanh nghiệp và tỷ lệ ấn định trên doanh thu của thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tỷ lệ thuế giá trị gia tăng thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đảm bảo phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh và tương đồng với doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thống kê 9 công ty vận tải taxi lớn, trong đó có Công ty TNHH Grab, Công ty Grab Việt Nam, Công ty cổ phần Fast Go Việt Nam... trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đã kê khai số thuế phải nộp là 437 tỷ đồng; trong đó các doanh nghiệp đã nộp 415 tỷ đồng.
“Năm 2017 chúng tôi đã chỉ đạo Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thuế tại công ty Uber thời kỳ 2014, 2015, 2016 đã xử lý số truy thu và xử lý vi phạm qua thanh tra, kiểm tra là 66,68 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2018, công ty này đã nộp đầy đủ số thuế này. Chúng tôi cho rằng việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để quản lý các ngành, các lĩnh vực phục vụ cho quản lý kinh tế nói chung, quản lý xã hội rất có tác dụng cho công tác quản lý thuế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, biện pháp trong thời gian tới của ngành tài chính là tiếp tục đã triển khai nội dung, bổ sung vào Luật Quản lý thuế và các pháp luật có liên quan; Thực hiện kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách giữa cơ quan thuế với cơ quan vận tải; Triển khai thực hiện Nghị định số 191 của về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, trong đó có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử.
Bộ Tài chính cũng thực hiện quy định của Nghị định thay thế Nghị định số 86 của Chính phủ trong đó có quy định về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử sau khi được Chính phủ ban hành mới theo quy trình của Bộ GTVT và chủ động phối hợp về công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải điện tử.