Cử tri đánh giá cao chất vấn của đại biểu Quốc hội, tập trung giải quyết những vấn đề 'nóng'

Chiều 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng.

Nhiều câu hỏi liên quan đến phát triển, quy hoạch đô thị, việc di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan trong khu vực nội thành Hà Nội... đã được đại biểu đặt ra cho "Tư lệnh" ngành xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Liên quan đến các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, cho rằng nội dung chất vấn phần nào phản ánh được thực trạng trong công tác quản lý ngành của Bộ Xây dựng thời gian qua.

Nhận định về thị trường bất động sản nói chung, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua thị trường bất động sản góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là giải quyết nhu cầu nhà ở. Quy mô thị trường bất động sản tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm qua, với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như thiếu sự minh bạch, công bằng, thậm chí hình thành nhóm lợi ích kể cả một số dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được thanh toán đối ứng bằng quỹ đất đô thị. Doanh nghiệp bất động sản đối diện với nhiều rủi ro do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách. Thị trường bị giảm quy mô, sụt giảm nguồn cung dự án, lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, ông Lê Hoàng Châu đề nghị các bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch các thủ tục hành chính như: Thủ tục cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của dự án. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính, đẩy mạnh cơ chế chính quyền điện tử. Bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội, với người tiêu dùng; phát triển bất động sản xanh và thông minh, thân thiện môi trường, không làm ăn kiểu chụp giật, tuân thủ pháp luật và minh bạch thông tin dự án.

Về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư, hạn chế tranh chấp, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 109 Luật Nhà ở theo hướng kinh phí bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm hệ thống kết cấu chịu, tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm. Đối với các phần sở hữu chung khác của nhà chung cư, bao gồm thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cứu hỏa, nhà sinh hoạt cộng đồng... thì sử dụng kinh phí quản lý vận hành chung cư hàng tháng để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, bảo trì.

Về vấn đề quản lý trật tự đô thị xây dựng, ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Huyện Củ chi là địa bàn vùng ven, có lượng người nhập cư lớn, nhu cầu nhà ở cao nên diễn biến vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phức tạp.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Củ Chi có trường hợp chủ đầu tư lập hồ sơ xin phép xây dựng nhiều lần, mỗi lần xin phép từ 1 - 2 căn với thời gian khác nhau và sau nhiều lần xin phép xây dựng thì trên khu đất cũng hình thành các khu nhà liền kề, không phù hợp với điều kiện nhà ở nông thôn, có khả năng phát sinh trường hợp chuyển nhượng căn hộ bằng giấy viết tay, phát sinh các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự đô thị. Có trường hợp xin giấy phép xây dựng nhà ở với diện tích lớn (hơn 300 m2) với kết cấu cột, khung kèo bằng thép nền bê tông, vách xây gạch hoặc bằng tôn nhưng sau đó sử dụng sai công năng làm nhà kho, nhà xưởng.

Ngoài ra, chưa có hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy phép xây dựng chính thức hay xây dựng tạm đối với trường hợp đất trong các cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 nhưng chưa thu hồi đất, chưa có chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, các cơ quan chức năng từ Trung ương xuống địa phương cần có những hướng dẫn thực hiện cụ thể trong quá trình cấp giấy phép xây dựng cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Liên quan đến vấn đề này, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Kiến trúc sư Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng cho rằng: Việc điều chỉnh quy hoạch các công trình dự án hiện nay đáng lo ngại, bởi mỗi lần điều chỉnh là lại tăng tổng giá trị đầu tư. Luật cần quy định một chuẩn, một giới hạn tối đa và tối thiểu trong tổng giá trị đầu tư, quy định một vài tiêu chuẩn cho từng khu vực, chứ không phải được tăng là tăng. Ở góc độ quản lý, Nhà nước cần đặt ra vấn đề giới hạn tối đa tổng đầu tư đối với mỗi công trình để có điều chỉnh bao nhiêu lần cũng chỉ dừng ở mức đó. Thực tế cho thấy, mỗi lần thay đổi, tổng đầu tư công trình lại tăng nên rất có thể gây lãng phí ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công.

Kiến trúc sư Trần Đức Lộc, làm việc tại thành phố Đà Lạt kiến nghị: Các luật liên quan đến xây dựng chưa thống nhất với nhau, cụ thể một nội dung nhưng có tới 3 luật điều chỉnh như Luật quy hoạch, Luật quy hoạch đô thị, Luật xây dựng. Do đó, nên bỏ Luật quy hoạch đô thị để đưa vào Luật quy hoạch. Bởi hiện nay Luật quy hoạch mới đã ban hành nhưng không xóa Luật quy hoạch đô thị cũ, vì vậy, các hệ thống văn bản pháp lý cũ từ luật, đến nghị định, thông tư liên quan tới quy hoạch đô thị vẫn còn áp dụng nên không thống nhất.

Kiến trúc sư Trần Đức Lộc cho rằng, vấn đề cấp phép xây dựng không nhất quán giữa Trung ương và địa phương, đề nghị Trung ương không nên can thiệp vào những nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương như: Các di tích thắng cảnh quốc gia thuộc Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, cấp phép xây dựng mỗi hạng mục lại phải có ý kiến của Bộ, địa phương mới được cấp phép xây dựng. Do đó, cần luật hóa bằng các quy định, tiêu chí, thông số rồi giao thẩm quyền cho địa phương quyết định.

Đối với việc xây dựng nông thôn mới hiện chưa có luật nào quy định thế nào là nông thôn mới mà chỉ có bộ tiêu chí của Chính phủ, do đó cần có Luật xây dựng nông thôn mới để xác định các nội dung cụ thể, chi tiết. Ví dụ thẩm quyền của chủ tịch xã là chủ đầu tư nhưng thực tế Chủ tịch xã này chỉ biết quy hoạch của xã của mình chứ làm sao biết được xã bên cạnh. Vậy nên không thể ráp xã này với xã kia để thành 1 bức tranh tổng thể của huyện hay thành phố. Do đó, 19 tiêu chí nông thôn mới hiện nay vẫn mang tính hình thức.

Cũng chiều 4/6, sau khi theo dõi buổi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại hội trường, cử tri tỉnh Phú Thọ đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân Phú Thọ còn băn khoăn về một số vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm liên quan đến an ninh trật tự, trong đó nổi là tín dụng đen… Thực tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra nhiều vụ việc đánh đập, siết nợ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Để hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho rằng: Ngành ngân hàng tập trung mở rộng các đối tượng được vay, nâng mức cho vay không có thế chấp cho bà con vùng nông thôn và thành thị. Cùng với đó ngành ngân hàng tiếp tục mở rộng mạng lưới để phục vụ bà con tiếp cận, cải tiến nhanh quy trình, thủ tục vay vốn, đặc biệt cho vay tín chấp đối với các đối tượng có nhu cầu cần tiền nhanh, gấp; Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các gói tín dụng kích thích tiêu dùng để người dân có thể tiếp cận dễ dàng…

Đề cấp đến vấn đề xây dựng, ông Nguyễn Tùng Ngọc, cán bộ hưu trí phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, Phú Thọ phản ánh, những năm gần đây mô hình bất động sản nghỉ dưỡng dạng biệt thự du lịch, căn hộ khách sạn du lịch (condotel) đã xuất hiện nhiều trong cả nước, trong đó có Phú Thọ, nhưng chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình xây dựng. Tỉnh Phú Thọ cũng đang gặp khó khăn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng) cho loại hình bất động sản này. Đề nghị tỉnh tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành quy định để tạo khung pháp lý cho hoạt động các loại hình đầu tư này, tránh lãng phí tài nguyên đất, thất thoát ngân sách và đảm bảo quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp...

Tại Quảng Bình, liên quan đến nhóm vấn đề thứ hai là lĩnh vực xây dựng, trong đó có các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố, cử tri Đào Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Thái Thịnh (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho rằng, nhiều năm qua, tình trạng vi phạm trong quản lý quy hoạch và quản lý trật tự đô thị vẫn còn diễn ra và chưa được giải quyết căn bản, dứt điểm. Cụ thể, việc phát triển tràn lan các khu đô thị không có người ở, khu đô thị không bảo đảm chất lượng xây dựng, không đúng quy hoạch; an toàn phòng cháy chữa cháy, không có nhà trẻ, trường học, phòng khám, siêu thị; các nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện trên những con đường mới mở làm mất an toàn mỹ quan đô thị… Nhu cầu nhà ở xã hội giá rẻ lớn tuy nhiên những công trình này đang thiếu và người dân có nhu cầu mua để ở thực sự thì khó tiếp cận được.

Cử tri Đào Thị Hải Yến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Xây dựng tăng cường trách nhiệm quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch và sự công khai, minh bạch để nhân dân biết và giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác xây dựng, quy hoạch; có giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng quy hoạch treo và giảm áp lực tăng dân số ở nội đô…

Liên quan đến những biến động của thị trường bất động sản, cử tri Ngô Thanh Hương, Bí thư Chi bộ thôn Đặng Lộc 1, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nêu thực trạng: Thời gian qua, thị trường bất động sản ở một số tỉnh, thành trong cả nước phát triển không bền vững; giá đất tăng cao và “nóng”, khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhu cầu nhà ở xã hội giá rẻ của người dân rất lớn, tuy nhiên những công trình này đang thiếu và người dân có nhu cầu mua để ở thực sự thì khó tiếp cận được. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp đồng bộ về mặt pháp lý để kiểm soát, không để thị trường bất động sản sốt ảo; công khai, minh bạch hóa thông tin liên quan đến các dự án bất động sản cho người dân và nhà đầu tư biết. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh bất động sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với những trường hợp vi phạm; quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân có nhu cầu thực sự dễ dàng tiếp cận và mua được đất và nhà ở xã hội, để người dân sớm ổn định cuộc sống cũng như tạo niềm tin vào Đảng, chính quyền.

Nhóm Pv TTXVN tại các địa phương
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sẽ quy định cụ thể nhằm phân biệt giữa đất dành cho tâm linh và đất du lịch
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sẽ quy định cụ thể nhằm phân biệt giữa đất dành cho tâm linh và đất du lịch

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Sẽ quy định cụ thể để phân biệt rõ ràng giữa đất dành cho tâm linh và đất du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN