Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (ngồi giữa) dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu đều suy giảm mạnh so với cuối năm 2022. 

Trước tình hình đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Nổi bật là thương mại trong nước tăng trưởng tích cực, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, giữ vững vị trí thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm phục hồi tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (gần 30 tỷ USD), cao gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho Ngành cần tập trung giải quyết.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa tốt; Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với các bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc còn hạn chế; Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời; năng lực, trình độ của một bộ phận công chức, viên chức và tính tiền phong gương mẫu của một số lãnh đạo đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa cao. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.

"Đây là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua, vì vậy chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có các giải pháp phù hợp, khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.  

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 4 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản và khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến SXKD của doanh nghiệp; đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, Bộ khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực thúc mới đẩy sự phát triển của Ngành. 

Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, Chíp và chất bán dẫn; đồng thời, tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.  

"Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực Châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ…, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ cũng chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh việc chấn chỉnh, sốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Thu Trang/Báo Tin tức
Phối hợp xử lý nguồn tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện
Phối hợp xử lý nguồn tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất phối hợp Bộ Công Thương đẩy mạnh việc tái chế tro xỉ, trong đó cần mở rộng phạm vi sử dụng và hoàn thiện quy định về sử dụng tro xỉ, thạch cao thải trong quá trình hoạt động; tăng cường nghiên cứu sử dụng tro xỉ vào các lĩnh vực khác ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN