Theo Bộ GTVT, nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí cho 3 dự án là hơn 26.147 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất. Đối với nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc không tính toán phần vốn tiết kiệm 5% do chỉ định thầu các gói thầu xây lắp, Bộ GTVT đã rà soát, dự kiến có thể cân đối, sắp xếp lại từ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phân bổ hơn 6.600 tỷ đồng.
Số vốn này sau khi ưu tiên cân đối hai đoạn cấp bách nối thông đường Hồ Chí Minh (Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận) khoảng 4.450 tỷ đồng, số còn lại khoảng 2.203 tỷ đồng sẽ cân đối cho 3 dự án cao tốc này.
Ngoài ra, nguồn vốn bố trí cho 3 dự án còn dự kiến bố trí từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội khoảng 9.620 tỷ đồng; nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng gần 13.800 tỷ đồng (sau khi bố trí đầy đủ cho các nhiệm vụ chi ưu tiên theo quy định).
Tham gia đầu tư 3 dự án cao tốc trọng điểm còn có nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các địa phương có dự án đi qua tổ chức họp HĐND để quyết nghị số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương cam kết tham gia khoảng 50% chi phí GPMB các dự án thành phần. Đến nay đã có 5/8 địa phương ban hành nghị quyết của HĐND về việc bố trí kế hoạch vốn ngân sách địa phương đầu tư dự án.
Sau khi rà soát khả năng cân đối các nguồn vốn, tổng số vốn có thể cân đối trong kỳ trung hạn 2021 - 2025 cho ba dự án khoảng 60.124 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 dự kiến giải ngân 562 tỷ đồng; năm 2023 dự kiến giải ngân gần 25.000 tỷ đồng; năm 2024 dự kiến giải ngân 15.458 tỷ đồng và năm 2025 dự kiến giải ngân hơn 19.100 tỷ đồng. Số vốn chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng hơn 24.300 tỷ đồng.
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe. Trong đó, đoạn Km0+000 - Km7+700 được đầu tư hoàn thiện, với mặt cắt ngang 24,75 m; đoạn Km7+700 - Km117+500 đầu tư quy mô phân kỳ mặt cắt ngang 17 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 21.935 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54 km, dự kiến phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang 4 làn xe tại các đoạn: Từ điểm đầu dự án đến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Km0 - Km16+800) và đoạn từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến điểm cuối dự án (Km29+400 - Km53+700). Đoạn từ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến cao tốc Bến Lức - Long Thành đầu tư quy mô 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 17.837 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng 188,2 km được đề xuất đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án khoảng gần 44.700 tỷ đồng.