Liên quan đến các phương án đầu tư, nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cảng hàng không này đã được quy hoạch đạt cấp 4C, sân bay quân sự cấp II, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay code C hoặc tương đương; công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa năm; nâng cấp, mở rộng đường cất hạ cánh trên nền đường cất hạ cánh hiện hữu đạt kích thước 1.830m×45m.
Cùng với đó là xây dựng đường lăn song song cách tim đường cất hạ cánh 172,5m và 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay; xây dựng sân đỗ tàu bay mới đảm bảo khai thác 8 vị trí đỗ tàu bay code C; xây dựng nhà ga hành khách mới công suất 2 triệu hành khách/năm; quy hoạch vị trí nhà ga hàng hóa và xây dựng khi có nhu cầu.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn sau năm 2030 định hướng kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển (phía Đông bắc của đường cất hạ cánh) với kích thước 2.400m×45m; mở rộng khu hàng không dân dụng đáp ứng công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải chưa làm rõ các căn cứ đề xuất phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, phương án đầu tư theo phương thức PPP sẽ gặp nhiều khó khăn do cần phải xử lý các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng (khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn); xử lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV); rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở thực hiện đầu tư.
Để xử lý được các vấn đề nêu trên sẽ mất nhiều thời gian (khoảng 48 tháng hoặc hơn) dẫn đến không đảm bảo tiến độ mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất theo phương án 1 - phương án đang triển khai: Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn bằng nguồn vốn đầu tư công, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng theo quy hoạch đến năm 2030 (xây dựng nhà ga hành khách mới thay vì phần kỳ đầu tư mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư công trình bảo đảm hoạt động bay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với phương án này, Bộ Giao thông Vận tải chưa làm rõ tính khả thi trong huy động nguồn vốn đầu tư; cam kết, trách nhiệm và khả năng bố trí vốn của các bên liên quan đảm bảo về đồng bộ trong triển khai hoàn thành và khai thác đối với 3 dự án thành phần.
Cụ thể, Dự án đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn đang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công (Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí vốn trung hạn 1.000 tỷ đồng/1.680 tỷ đồng nhu cầu) còn thiếu khoảng 680 tỷ đồng; ACV hiện đề xuất 850 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu, chưa làm rõ khả năng đầu tư mới nhà hành khách theo quy hoạch (công suất 2 triệu hành khách/năm).
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ các vấn đề về khả năng huy động nguồn lực của ACV, bổ sung nguồn vốn đầu tư công, cam kết và tiến độ triển khai của các bên liên quan của các dự án thành phần đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Côn đảo theo đúng quy mô phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Côn Đảo trong giai đoạn tới, đảm bảo đầu tư đồng bộ các hạng mục nhà ga, sân đỗ, đường cất hạ cánh.
“Trường hợp ACV không có khả năng đầu tư, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật, trong đó lưu ý nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021, được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Dự án cũng đã được Bộ GTVT giao kế hoạch vốn ngân sách năm 2022.
Vì vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lấy ý kiến các bộ, ngành theo các phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 12/2022 là để thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2022. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần giải trình rõ hơn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.