Đối với các nhà thầu chậm tiến độ có chuyển biến chậm, không có khả năng bù lại tiến độ đã bị chậm, Thứ trưởng yêu cầu Ban quản lý dự án 6 căn cứ các quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật có liên quan để xem xét điều chuyển khối lượng, xử lý nhà thầu vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án 6 chỉ đạo nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực, tổ chức dây chuyền thi công hợp lý, khoa học, tranh thủ thời tiết thuận lợi triển khai quyết liệt, tăng ca, tăng kíp, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu.
Trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan phải thực hiện đảm bảo tuyệt đối an toàn thi công, đảm bảo chất lượng và các quy định pháp luật liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện.
Với vị trí vẫn còn vướng mắc mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Nghệ An hỗ trợ, yêu cầu Ban quản lý dự án 6 phối hợp chặt chẽ với các chính quyền tỉnh, huyện, xã của địa phương để giải quyết dứt điểm đối với các vị trí còn tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.
Nhìn nhận thời gian thực hiện hợp đồng còn lại của các gói thầu là rất ngắn, trong khi khối lượng thi công còn lại còn nhiều, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban quản lý dự án 6 kiểm tra, rà soát hợp đồng đã ký với nhà thầu thi công, xác định khối lượng các hạng mục công việc chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan làm cơ sở xử lý các vấn đề phát sinh do việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng theo đúng quy định.
“Trên cơ sở đó, ban khẩn trương rà soát các quy định về quản lý hợp đồng, cần thiết phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng để trình cấp có thẩm quyền xem xét,” ông Tuấn nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Giám đốc Ban quản lý dự án 6 tập trung chỉ đạo, điều hành thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo đúng các chỉ đạo nêu trên và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và pháp luật về chất lượng và hoàn thành dự án.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho hay, tính đến ngày 13/7, sản lượng của dự án ước đạt gần 90% giá trị hợp đồng.
Thông tin cụ thể tiến độ trên công trường, ông Phạm Văn Minh cho hay, toàn tuyến đã thi công được cấp phối đá dăm loại I được 45,8 trong tổng số 50km của dự án; cấp phối gia cố xi măng đã thi công được 43,7 km; bê tông nhựa rỗng (lớp 1) được 35,6km; bê tông nhựa chặt C19 (lớp 2) được 23,9km; bê tông nhựa chặt C12,5 (lớp 3) được 5,2km.
Tổng số lượng thiết bị thi công chủ yếu đã huy động trên công trường gồm 8 trạm trộn bê tông nhựa, 12 trạm trộn CTB (cấp phối đá dăm gia cố xi măng) và 285 thiết bị thi công chính (gồm 122 lu, 85 xúc, 41 ủi, 19 san, 18 rải,…).
Hiện nay, Ban Quản lý dự án 6 đang quyết liệt chỉ đạo các Nhà thầu, tư vấn giám sát của Dự án triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” tận dụng thời tiết thuận lợi để hoàn thành thông xe vào dịp Quốc Khánh 2/9 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Về mốc hoàn thành theo hơp đồng trong tháng 7 theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, ông Phạm Văn Minh khẳng định: nhà thầu đang nỗ lực huy động nhiều máy móc, thiết bị và tài chính để hoàn thành mục tiêu thông đường toàn tuyến theo yêu cầu của Bộ. Trong tháng 8 sẽ hoàn thiện các hạng mục đường gon, đường dân sinh, hạng mục an toàn giao thông (sơn kẻ vạch đường, biển báo, dải phân cách)… để dự án đưa vào khai tháng vào đầu tháng 9/2023.
Ông Phạm Văn Minh chia sẻ thêm, theo hợp đồng gốc mốc hoàn thành dự án là 29/7/2023. Tuy nhiên, một số gói thầu được gia hạn hợp đồng do vướng giải phóng mặt bằng.
Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu dài 50km đi qua hai tỉnh Thanh Hóa khoảng 6,5km và Nghệ An là 43,5km với tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 7/2021 và dự kiến phải hoàn thành tháng 7/2023. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án này được thi công xây dựng với quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế từ 100-120 km/giờ.