Dồn lực, tăng tốc thi công cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu

Các nhà thầu đang tập trung nhân lực đẩy nhanh thi công với quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 7/2023. 

Mặc dù những ngày sau Tết Nhâm Dần tại khu vực các tỉnh miền Bắc thời tiết không thuận lợi, mưa phùn gió bấc nhưng trên công trường thi công dự án thành phần cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông vẫn diễn ra sôi động. Các nhà thầu đang tập trung nhân lực đẩy nhanh thi công với quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 7/2023. 

Chú thích ảnh
Nhà thầu triển khai hơn 40 mũi với 279 thiết bị thi công trên toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu. Ảnh: Huy Hùng/ TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Quang Lâm, lãnh đạo Ban Điều hành  hiện trường dự án cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu - Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án được chia làm 4 gói thầu xây lắp (XL01, XL02, XL03, XL04) với hơn 600 cán bộ kỹ sư, công nhân cùng 279 thiết bị được chia làm 40 mũi thi công 3 ca liên tục.

“Sau 6 tháng triển khai thi công, sản lượng của toàn dự án ước tính đạt 14,5% tổng giá trị hợp đồng, không bao gồm dự phòng, tiến độ đáp ứng yêu cầu so với kế hoạch hết tháng 2 là 14,98%”, ông Nguyễn Quang Lâm cho hay.

Có mặt tại hiện trường thi công hầm Trường Vinh, nối thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) thuộc gói thầu XL-01 do  Liên đanh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả những ngày này, không khí thi công rất khẩn trương mặc dù trời rét, thỉnh thoảng mưa phùn.

Phụ trách thi công hầm Trường Vinh phía Bắc của Tập đoàn Đèo Cả cho hay, đơn vị đang huy động trên công trường 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân và các loại máy móc thi công song song 2 ống hầm. Theo đó, hầm Trường Vinh phía Bắc được thi công từ tháng 11/2021, đến nay ống hầm bên phải đào được hơn 50/245m, hầm trái đào khoảng hơn 30m.

“Để đảm bảo tiến độ, Tập đoàn Đèo Cả huy động nhân lực và máy móc tốt nhất, thực hiện thi công 3 ca liên tục, phấn đấu đến ngày 30/4/2022 sẽ thông ống hầm và cam kết hoàn thành hầm vào tháng 7/2023,” đại diện Tập đoàn Đèo Cả thông tin.

Về sản lượng chung của toàn gói thầu XL01, đại diện liên danh nhà thầu cho hay, mặc dù còn nhiều khó khăn và thời tiết không thuận lợi nhưng với sự nỗ lực của liên danh đến nay, sản lượng của gói thầu đạt khoảng 14,75%.

Tại gói thầu XL03 dài 14,6km, đại diện liên danh nhà thầu Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung bày tỏ, công trường huy động khoảng hơn 200 cán bộ, công nhân viên và tiến độ đến nay đạt khoảng 14,23%, bước đầu vượt so với tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, tại gói thầu này, đang có 7,6km nền đất yếu, quá trình thi công rất vất vả do phải đắp đường công vụ dài từ 3-4km mới có công địa vào xử lý đất yếu bằng giếng cát và bấc thấm. Đây được xem là điểm “găng” của dự án nên Ban Quản lý dự án 6 đang yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến độ cụ thể để tháo gỡ khó khăn đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.

Trong khi đó, gói thầu XL02 do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho biết, sản lượng thi công của gói thầu này đến nay đạt khoảng 14,69% giá trị hợp đồng. Gói thầu XL04 do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4- Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Sơn giá trị gói thầy đạt khoảng 14,57% giá trị hợp đồng. Nhìn chung, hai gói thầu này cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ đề ra.

Về mỏ vật liệu cung cấp cho dự án, theo ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, dự án cao tốc Nghi Sơn Diễn Châu cần khoảng 800.000 m3 đá. Hiện nay, với 2 mỏ đá đã được tỉnh Thanh Hóa cấp phép với trữ lượng 1 triệu m3, tỉnh Nghệ An có 48 mỏ đá trên địa bàn đã được cấp giấy phép khai thác trữ lượng khoảng 105 triệu m3, đáp ứng nhu cầu dự án.

“Đối với mỏ cát, khối lượng cát cần cho dự án khoảng 1,1 triệu m3, khối lượng cát chủ yếu nằm ở gói thầu số XL03 và XL04. Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 57 mỏ cát đã được cấp giấy phép khai thác với trữ lượng khoảng  27 triệu m3, đáp ứng nhu cầu dự án”, ông Phạm Văn Minh cho hay.

Trong khi đó mỏ đất đắp, ông Phạm Văn Minh thông tin, sau khi đánh giá lại khối lượng của gói thầu XL01, XL02, khối lượng đất đắp của dự án cần khoảng 4,8 triệu m3. Các mỏ đất đắp đã đáp ứng đủ nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, 2 mỏ Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu) và Cầu Rào (huyện Diễn Châu) với tổng trữ lượng khoảng 3,7 triệu m3 đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác.

“Nhưng 2 mỏ này chưa được HĐND tỉnh thông qua thủ tục chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất hoạt động khoáng sản và thực hiện thuê đất giữa chủ mỏ và Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An. Dự kiến đến tháng 3/2022 HĐND tỉnh mới họp.  Nếu 2 mỏ đất nêu trên được đưa vào khai thác sẽ tạo thuận lợi cho dự án đẩy nhanh tiến độ thi công do phong phú thêm nguồn cung vật liệu, rút ngắn được cự ly vận chuyển”, ông Phạm Văn Minh đánh giá.

Về giải phóng mặt bằng, theo ông Phạm Văn Minh, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 6,53 km đến nay đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.  Đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 43,47 km hiện vẫn còn một số vấn đề đang giải quyết. Cụ thể, công tác giải phóng măt bằng các hộ dân  đã cơ bản hoàn thành. Nhưng, hiện tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) còn vướng mắc 30 hộ dân tại xã Quỳnh Vinh với chiều dài tuyến khoảng 400m do các hộ dân chưa nhận tiền do kiến nghị về giá đền bù; đường ống nước D800 chưa được di dời. Tại xã Quỳnh Trang còn vướng mắc 5 hộ dân với chiều dài tuyến khoảng 200m, các hộ dân chưa nhận tiền do kiến nghị về giá đền bù. Trong khi đó, tại xã Diễn Đoài (huyện Diễn Châu) cũng còn  vướng 17 hộ dân đất nông nghiệp với chiều dài tuyến khoảng 300m, các hộ dân đang kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ.

Ngoài ra ,về các công trình điện cao thế 220kV, 110kV với 13 vị trí cần di dời nhưng hiện mới  di dời được 1 vị trí. Đường điện trung, hạ thế với 58 vị trí cần di dời nhưng hiện vẫn còn 15 vị trí chưa di dời.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho biết, đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Về đẩy nhanh thủ tục cấp phép vật liệu mỏ đất đắp nền đường, chính quyền địa phương quan tâm, cấp phép khẩn cấp mỏ hoặc song song với quá trình hoàn thiện các thủ tục bởi 1 số mỏ có quyết định khai thác, cấp phép nhưng các thủ tục tiếp theo chưa xong để khai thác. Vì nếu thủ tục cấp mỏ chậm hơn nữa sẽ ảnh hưởng tới tiến độ.

Về vấn đề giám sát bảo đảm chất lượng công trình, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho hay, đơn vị thường xuyên trao đổi chỉ đạo đơn vị tư vấn giám sát dự án môt cách sát sao. Theo đó, tư vấn giám sát đã ban hành kế hoạch hàng tuần, hàng tháng để so sánh, đánh giá. Đơn vị nào thường xuyên bị nhắc nhở mà không có giải pháp, tư vấn sẽ báo cáo chủ đầu tư có giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu dài 50km đi qua hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng; trong đó gồm chi phí xây dựng và thiết bị 4.305,9 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.778,1 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 553 tỷ đồng; chi phí dự phòng 656 tỷ đồng.

Trong giai đoạn phân kỳ, dự án thành phần cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu được thi công xây dựng với quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế từ 100-120km/giờ.

Quang Toàn (TTXVN)
Đẩy nhanh tiến độ GPMB, xử lý vướng mắc trong thực hiện cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Đẩy nhanh tiến độ GPMB, xử lý vướng mắc trong thực hiện cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Công điện 686/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN