Theo phản ánh của cử tri, việc xây dựng các công trình, dự án có liên quan trực tiếp đến người dân, đề nghị quyết liệt chỉ đạo nên tập trung xây dựng hoàn chỉnh, nhanh chóng, tránh tình trạng bỏ dở, để người dân nhanh chóng được ổn định cuộc sống và an tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, việc bồi thường, giải tỏa dự án các công trình, nhất là công trình giao thông, các dự án trọng điểm có liên quan đến tài sản của người dân, đề nghị ngành chuyên môn cần xác định đúng giá trị thực tế, tiến hành theo quy định pháp luật, công khai, minh bạch đến nhân dân.
Đồng thời, phải tiến hành đồng bộ cùng lúc trên toàn dự án, công trình, tránh tình trạng xé lẻ bồi thường từng phần, trước sau, ít nhiều, không đồng đều,… tạo tâm lý so sánh, làm các dự án, công trình kéo dài, dây dưa không muốn chấp hành của nhân dân, gây mất ổn định trật tự tại địa phương.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho hay, giai đoạn trước đây có thời kỳ nền kinh tế thế giới gặp khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn đến kinh tế trong nước có dấu hiệu suy giảm. Chính phủ đã ban hành các nghị quyết với những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy triển khai các công trình, dự án đầu tư công.
Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công được triển khai đầu tư xây dựng. Đến giai đoạn 2011, nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, làm giá cả trong nước tăng cao, có nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, một số công trình, dự án chưa cấp thiết phải đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
Luật Đầu tư công quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn của các dự án, với các quy định đó các công trình, dự án khi triển khai thực hiện được bố trí đủ nguồn vốn và tổ chức triển khai theo đúng kế hoạch đề ra đã khắc phục được tình trạng xây dựng dở dang, chưa hoàn thiện của các công trình, dự án trước đây.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn, khi Nhà nước thu hồi đất, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch và đối thoại với các người dân bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn.
Thực hiện theo các quy định trên, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đều được các địa phương lập và tổ chức lấy ý kiến theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi; niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở uỷ ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của người dân trong khu vực có đất bị thu hồi, các địa phương đã tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo các chế độ chính sách của Nhà nước và tiến hành chi trả cho người dân đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng; tổ chức chi trả cho người dân theo đúng phương án đền bù đã được phê duyệt, được đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước. Một số trường hợp chây ỳ, khiếu nại chủ yếu do việc xác định nguồn gốc đất.
Để chính sách về đất đai bảo đảm công bằng hơn, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024), Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (có hiệu lực từ 1/8/2024), Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất (có hiệu lực từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành). Như vậy, trong thời gian tới, khi Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại về nguồn gốc đất, giá đền bù của người dân làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.