Bộ Công Thương lý giải về việc 'không tiếp thu góp ý' liên quan đến xuất khẩu gạo

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 20/4 về việc không tiếp thu góp ý của Bộ Tài Chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, Bộ Tài chính không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo, cũng như phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" mà Bộ Công Thương đưa ra tại báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành ngày 28/3.

Chú thích ảnh
Theo Bộ Công Thương, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, không những thế, Bộ Tài chính còn giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch và các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch. 

Góp ý quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia". Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".

Bộ Công Thương đã 2 lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không tiếp thu góp ý này của Bộ Tài chính. Theo Bộ Công Thương, cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng, để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Còn với đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển, bởi bằng mắt thường, khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu). “Để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Chi phí tăng thêm về thời gian, tiền bạc không nhỏ và bất hợp lý trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo", văn bản Bộ Công Thương nêu rõ.

Liên quan đến phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch, Bộ Tài chính cũng cho rằng, ý kiến này của Bộ Tài chính đã "không được Bộ Công Thương tiếp thu", Bộ Công Thương cho biết, trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch. 

Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án điều hành hạn ngạch công bằng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro. Các nguyên tắc này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo  rõ tại khoản 3 văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ.

Về các cơ chế điều hành hạn ngạch do Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công Thương cho rằng, đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào Ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm.

Đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15 - 20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo".

Cùng với đó, đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.

“Cơ chế điều hành FCFS nếu được triển khai có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất”, Bộ Công Thương nêu ý kiến trong văn bản gửi Thủ tướng.

Về đề xuất cấm các doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng dự trữ gạo quốc gia cũng sẽ không được tham gia xuất khẩu theo Bộ Công Thương là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, nhưng cơ quan Nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy.

Thu Trang/Báo Tin tức
Khơi thông huyết mạch kinh tế
Khơi thông huyết mạch kinh tế

Đảng và Chính phủ ta xác định song song hai nhiệm vụ: đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống, khống chế, không cho lây lan dịch bệnh, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, và nhanh chóng khơi thông huyết mạch kinh tế khi đã đẩy lùi dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN