Theo công văn số 2764/BCT-XNK, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp (gạo nếp, thóc nếp, tấm nếp) theo nhu cầu và không tính vào lượng hạn ngạch 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và thời gian tới (nếu vẫn duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo).
Kiến nghị này xuất phát từ việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tỉnh Long An, An Giang (hai địa phương trồng nhiều lúa nếp) có văn bản kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu gạo nếp không hạn chế số lượng do người dân trong nước chủ yếu tiêu dùng gạo tẻ và gạo nếp hiện nay chủ yếu được sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Diện tích trồng lúa nếp ở Long An chiếm 30 - 32% diện tích trồng lúa của tỉnh, tại thời điểm báo cáo, tồn kho gạo nếp của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Long An là 55.937 tấn. Trong khi đó, lúa nếp vụ Đông Xuân thu hoạch sắp tới khoảng 747.500 tấn.
Cùng với đó, sau khi Bộ Công Thương tham vấn ý kiến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc "gạo nếp có nằm trong dự trữ quốc gia hay không", Bộ Công Thương thừa nhận, danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia theo Nghị định 94/2013/NĐ-CP thì chỉ gồm gạo tẻ, thóc tẻ, không gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp. Nghĩa là, ngay cả trong tình huống đột xuất, cấp bách thì thóc nếp, gạo nếp không thuộc diện huy động vào dự trữ quốc gia.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong số các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, có một số thương nhân chỉ xuất khẩu nếp (gạo nếp, tấm nếp) hoặc coi nếp là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Sản lượng nếp dự kiến năm 2020 tại Long An và An Giang các vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đồng là 453 nghìn tấn, 276 nghìn tấn và 65 nghìn tấn.
Theo Tổng cục Hải Quan, năm 2018, mặt hàng này xuất khẩu hơn 676.900 tấn, 2019 là 297.405 tấn. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo nếp đạt gần 72.480 tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu gạo nếp Việt Nam là Trung Quốc, Phillipines, Malaysia, Đài Loan...