Ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho rằng biến đổi khí hậu đang ngày càng có những tác động mạnh mẽ tới Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có sản lượng nông sản, thủy sản lớn nhất cả nước. Sự dâng lên của nước biển, giảm thiểu dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông, gia tăng hạn hán, xâm thực mặn, phèn hóa đang biểu hiện ngày càng rõ rệt và chưa có khuynh hướng dừng lại tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Cây sầu riêng sai trái đến ngày thu hoạch của người dân. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN |
Chính vì vậy đây là lúc cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động này đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có giải pháp quan trọng và hiệu quả là canh tác cây trồng hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu vùng này. Bên cạnh đó là các giải pháp canh tác như cập nhật thông tin dòng chảy thượng lưu, bố trí thời vụ Đông Xuân và Hè Thu hợp lý, hạn chế sản xuất vụ lúa Xuân Hè. Đồng thời, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn và sử dụng ít nước hơn; tăng diện tích luân canh lúa – màu và lúa – thủy sản.
Mặt khác, chuyển cơ cấu 3 vụ lúa Đông Xuân – Xuân Hè – Hè Thu sang cơ cấu Đông Xuân – Hè Thu – Thu Đông trong các vùng ngọt hóa, không ngập và ngập nông. Đặc biệt nghiên cứu chọn tạo và đưa ra sản xuất các giống cây trồng chịu hạn mặn; trong đó chú trọng giống lúa có khả năng thích nghi với những biến đổi thất thường của khí hậu, có khả năng chịu hạn, mặn, phèn ở ngưỡng cần thiết. Cũng như ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng sử dụng ít hơn vật tư đầu vào, nhưng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, với tiềm năng phát triển chủ yếu từ nông nghiệp, nên trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tỉnh Hậu Giang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó giải pháp đang được các ngành chức năng khuyến cáo và đem lại hiệu quả cao là canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu.
Diễn đàn giải pháp canh tác cây trồng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần này góp phần tạo điều kiện để nông dân có điều kiện thảo luận, trao đổi, chia sẻ thông tin, giao lưu với nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề chuyên môn, cũng như các chế độ chính sách trong chuyển đổi canh tác cây trồng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu. Cũng như giúp nông dân nâng cao kiến thức, tạo sự chủ động trong ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro trong sản xuất, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững.
Diễn đàn được tổ chức tại Hậu Giang đã thu hút sự tham gia của đại diện nhà quản lý, nhà khoa học và đông đảo nông dân trong vùng. Các ý kiến nhà quản lý, nhà khoa học tập trung vào các vấn đề quan trọng, cấp bách như giải pháp phát triển một số cây trồng cạn chuyển đổi trên đất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; quy hoạch cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; một số kết quả nghiên cứu hạn, mặn và giải pháp ứng phó với hạn, mặn cho cây ăn quả; tiết kiệm nước và năng lượng bằng biện pháp san laser để ứng phó biến đổi khí hậu.
Cùng với đó là nhiều tham luận, báo cáo của nông dân có những mô hình sản xuất có hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình như: mô hình lúa – tôm ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn; mô hình trồng cam xoàn ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun; mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng dưa hấu chuyên canh; mô hình trồng mía ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới thích ứng điều kiện hạn, mặn.
Theo dự báo, tác động biến đổi khí hậu, trong tương lai gần xu thế ngập lũ và triều trên vùng đồng bằng ven biển gia tăng trái ngược lại với xu thế thay đổi diễn biến lũ đến từ thượng nguồn. Đồng thời hoạt động tích nước của các hồ thủy điện thượng nguồn nên lũ sẽ về muộn hơn và số năm lũ vừa và lũ nhỏ sẽ tăng lên đáng kể. Ước tính hàng năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất đi hàng trăm nghìn héc ta đất trồng lúa.
Trong khi đó, hiện tượng El Nino, La nina ngày càng tác động mạnh mẽ làm cho những thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng nặng nề trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa làm nhiều diện tích lúa giảm năng suất. Trước đó, mùa khô năm 2016, mặn đã xâm nhập vào nội địa của 9/13 tỉnh, thành phố ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đến 90 km, tổng diện tích lúa ước thiệt hại 139.000 ha, 155.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt...