Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia thuộc các bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu diễn ra sớm hơn dự báo, thể hiện qua các số liệu đo đạc. Thiệt hại nặng nề nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa và vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng. Trong khi đó, hệ thống thủy điện thượng nguồn của sông Cửu Long là sông Mê Công đang khiến lượng phù sa đổ về giảm mạnh. Do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, đợt hạn, mặn mùa khô năm ngoái, đã có 10/13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long phải công bố tình trạng thiên tai.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, có tổ chức quốc tế đã theo dõi và nhận thấy, tại Phú Yên, mỗi năm nước biển dâng lấn sâu làm mất 3 m bờ biển.
Trong kịch bản biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật vào năm 2016, đến cuối thế kỷ này, trường hợp xấu nhất là nước biển có thể dâng lên 1 m. Khi đó, nguy cơ ngập 77% diện tích tỉnh Kiên Giang; gần 17% diện tích đồng bằng Sông Hồng; gần 18% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh và nghiêm trọng nhất là ngập gần 39% vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Kịch bản này còn chưa tính đến những yếu tố sụt lún đất do khai thác nước ngầm, sự nâng hạ địa chất, sự thay đổi địa hình. Nếu cộng với việc mỗi năm đồng bằng Sông Cửu Long sụt lún trung bình khoảng 3 cm nguy cơ ngập diễn ra nhanh hơn.
Đại diện các bộ ngành cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu nặng nề hơn là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ở các lòng sông, bờ biển; tình trạng chặt phá rừng; khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún; tình trạng ngăn đập các dòng sòng sông làm thủy điện.
Về vốn cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, trong khi cần nguồn lực đến 30 tỉ USD để thực hiện các chương trình mục tiêu có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, thì công tác huy động vốn lại đang gặp khó khăn, trong đó có vốn ODA.
Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, biến đổi khí hậu tác động nhanh, mạnh hơn đến nước ta, biểu hiện rõ rệt nhất là thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra liên tiếp, ngày càng nặng nề. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do con người với các hành vi như phát thải khí nhà kính, phá rừng, khai thác nguồn nước ngầm quá mức, khai thác cát sỏi trên sông…
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện nay chính sách pháp luật của chúng ta về ứng phó biến đổi khí hậu còn thiếu đồng bộ, thiếu các dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu. Do đó, cần có giải pháp ứng phó một cách hiệu quả, phù hợp. Phó Thủ tướng đề nghị không chỉ quan tâm công tác ứng phó biến đổi khí hậu như phòng chống mưa bão mà cần chú ý cả việc thích ứng biến đổi khí hậu như sống chung với tình trạng nhiễm mặn, nước biển dâng, khô hạn.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu cần thay đổi cách làm để đem lại hiệu quả cao hơn theo hướng cần tăng cường các chuyên gia giỏi, chuyên môn sâu, nhất là chuyên gia về thủy lợi, cho Hội đồng tư vấn của Ủy ban.
Mặc dù hiện nay đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động, nhưng Thủ tướng cho rằng, những chỉ đạo này chưa thấm sâu vào hành động của nhiều bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, cần làm cho mọi cấp mọi ngành, hệ thống chính trị, nhất là chính quyền và người dân hiểu rõ về biến đổi khí hậu, về biện pháp ứng phó. Bởi nếu người dân không nhận thức được thì việc đầu tư nguồn lực sẽ không hiệu quả.
Ủy ban Quốc gia cũng phải chỉ ra được nguy cơ và thời cơ của biến đổi khí hậu ở nước ta; có quy hoạch, kế hoạch tổng thể để làm cơ sở chính xác cho việc xây dựng các nhiệm vụ cần thực hiện, mà trước hết là xử lý một số việc cấp bách như khai thác cát trái phép, khai thác nước ngầm, phát triển đô thị sinh thái. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác truyền thông và giáo dục, phát huy các kinh nghiệm của nhân dân trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Đánh giá các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long còn chưa đồng bộ, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban đổi mới cách nghĩ, cách làm, tránh những chương trình, kế hoạch mang tính đối phó, thiếu thống nhất. Ủy ban cũng cần đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về biến đổi khí hậu, trong đó cần sửa đổi, bổ sung một số luật hiện có như Luật phòng, chống thiên tai, làm cơ sở thực hiện các giải pháp của Ủy ban và các cơ quan có liên quan.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Ủy ban cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có chương trình vận động ODA; rút ra bài học từ quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu để vận dụng vào Việt Nam.