Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bến Tre có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã tận dụng tốt những lợi thế để tập trung phát triển hạ tầng, tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả cao. Nhờ đó, so với trước đây, kinh tế xã hội của tỉnh có bước tiến vượt bậc, đời sống của người dân từng bước nâng lên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, quy mô kinh tế nhỏ, lẻ, nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ biển đổi khí hậu, tác động từ thượng nguồn sông Mê Kông, là những thách thức mà Bến Tre đang gặp phải.
Vì vậy, thời gian tới tỉnh Bến Tre cần rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ngoài ra, tỉnh cần có tầm nhìn, khát vọng để định hướng có tính chiến lược, căn cơ mang tính chất lâu dài.
Mặt khác, Bộ trưởng lưu ý Bến Tre cần chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang tính đặc thù dựa trên các sản phẩm nông sản mà tỉnh có thế mạnh như: dừa, con nghêu, bưởi da xanh, tôm càng xanh, hoa kiểng và đề nghị tỉnh Bến Tre rà soát đánh giá lại một cách nghiêm túc những mặt được và chưa được trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Từ đó có giải pháp thích hợp để tiếp tục triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Về vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh cần có giải pháp ứng phó với sạt lở theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời, phòng chống sạt lở phải có tầm nhìn ngắn, trung và cả dài hạn để đạt hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, qua 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tái cơ cấu ngành nông nghiệp được nâng cao và có nhiều tác động tích cực đến các hoạt động sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh.
Hơn nữa, nông dân tỉnh Bến Tre đã và đang từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Nhiều sản phẩm của tỉnh đã được chứng nhận hoặc đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, con heo, con bò.
Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất trên ha diện tích canh tác đất trồng trọt tăng từ 51 triệu đồng năm 2013, lên 88 triệu đồng vào năm 2017; thủy sản giao động mức 300-367 triệu đồng/ha,...
Đến nay, tỉnh có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 48% so với mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2020. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đến nay đã hình thành được 62 Tổ hợp tác, 26 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị và có 4 chuỗi giá trị là dừa, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt.
Đáng lưu ý, chuỗi giá trị dừa hiện có 28 tổ hợp tác, 10 Tổ liên kết và 7 hợp tác xã tham gia, với khoảng 148.000 hộ và gần 2.000 ha diện tích được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng và thu mua toàn bộ sản phẩm.
Riêng với bưởi da xanh, toàn tỉnh có 21 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã với hơn 620 hộ và khoảng 200 ha tham gia chuỗi. Đặc biệt, tỉnh cũng đạt quy mô 54 ha và 51 hộ tham gia trồng nhãn; còn các sản phẩm khác đã tiến hành xây dựng, củng cố và hoàn thiện tổ hợp tác, hợp tác xã và mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết...
Theo ông Nguyễn Hữu Lập, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng nghiêm trọng; hệ thống hạ tầng nhất là thủy lợi chưa hoàn chỉnh; số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô nhỏ nên việc xây dựng liên kết, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.