Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cách nào quản lý xe hợp đồng 'trá hình' ?

Một trong những nội dung được xem là “nóng” trong hoạt động vận tải hiện nay là quản lý xe hợp đồng sẽ được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời chất vấn trước Quốc hội trong những ngày tới. Vậy thực trạng quản lý xe hợp đồng hiện nay như thế nào, Bộ Giao thông Vận tải cần đưa ra giải pháp gì để quản lý loại hình này?

Chú thích ảnh
Xe hợp đồng xuất bến Giáp Bát. Ảnh: Đăng Sơn/Báo Tin tức

Vì sao xe hợp đồng tăng nhanh?

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chỉ trong mấy năm gần đây, số lượng xe vận tải hành khách hoạt động theo hình thức hợp đồng tăng lên nhanh chóng. Trước kia, số lượng xe hợp đồng chỉ chiếm khoảng 10% thì nay chiếm tới 60% trong tổng số loại hình vận tải hành khách đường bộ.

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được quy định khá đơn giản chỉ là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải được đón trả khách tại các điểm đã ghi trong hợp đồng; khi vận chuyển hành khách, lái xe mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách…

“Chính vì thế, các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách hợp đồng thường lách luật theo hướng này để qua mặt các cơ quan chức năng, chạy tuyến cố định. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn còn thành lập nhà chờ đón khách, sử dụng các xe trung chuyển, mở “bến cóc” ngay trên các tuyến đường nội đô”, ông Quyền thông tin.

Là địa phương rất “nhức nhối” với tình trạng xe khách hợp đồng trá hình, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, hàng ngày có hàng nghìn xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định (hay thường gọi là xe Limousine) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dù biết đa số xe đó hoạt động vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

“Bởi khi lực lượng chức năng xử lý thì hầu hết lái xe đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ. Mấu chốt ở đây là các quy định pháp luật cho loại hình vận tải theo hợp đồng còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là chưa theo kịp thực tiễn, tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lách luật”, ông Bùi Hồng Minh phân tích.

Đề cập đến ý kiến của người dân cho rằng, xe Limousine là loại hình được người dân ưa chuộng và lựa chọn, nên coi đây là loại hình mới để quản lý, ông Bùi Hồng Mình thừa nhận, ở góc độ người sử dụng, dịch vụ này có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, phải công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải. Ví dụ như, trong khi các doanh nghiệp vận tải hoạt động theo tuyến cố định phải vào bến đón trả khách thì những doanh nghiệp vận tải chạy theo hợp đồng "lách luật" đón, trả khách không đúng nơi quy định, đặc biệt những doanh nghiệp này thường xuyên chạy vào vùng nội đô dẫn đến nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, một phần nguyên nhân khiến các bến xe ngày càng vắng khách là tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy như tuyến cố định bùng phát với số lượng lớn thời gian vừa qua. Hiện các cơ quan quản lý vẫn chậm đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề này.

Dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Hoàng Xuân Chín, Giám đốc Văn phòng đại diện phía Bắc của Công ty Du lịch Văn Minh cho biết, xe tuyến cố định phải chịu các ràng buộc về điều kiện kinh doanh và nộp các khoản như: lệ phí ra vào bến, lệ phí bán vé, phí đỗ qua đêm, các thủ tục liên quan đến phương tiện và người lái nên chi phí lớn hơn nhiều so với xe Limousine không phải vào bến. Đặc biệt, loại hình này lại được phép chạy nội đô, giờ chạy tùy ý…

“Hiện nay thủ tục để một đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách theo hợp đồng rất đơn giản. Trong khi đó, đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định phải chịu rất nhiều các điều kiện kinh doanh như: phải thông qua quy hoạch, lựa chọn đơn vị khai thác tuyến cố định, xem xét biểu đồ chạy sao cho không trùng với giờ đơn vị vận tải hành khách khác…. Do đó, nếu không sớm có giải pháp xử lý tình trạng trên sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ‘méo mó’ thị trường vận tải”, ông Hoàng Xuân Chín chia sẻ.

Đại diện Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thừa nhận, lực lượng chức năng cũng như cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý xe dù bến cóc, xe trá hình. Hiện đang thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện hợp đồng vận chuyển của loại xe này.

Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đang xây dựng phần mềm quản lý bến xe để quản lý trực tuyến các bến xe trên toàn quốc. Phần mềm này sẽ quản lý được tất cả các hoạt động của bến xe như: xe ra vào bến, xe của đơn vị nào, đi vào thời gian nào, chở bao nhiêu khách, số khách ra vào bến trong ngày và đi xe xuất phát từ bến nào… Từ các thông số đó, đơn vị quản lý sẽ biết được xe đi đúng tuyến và có được chấp thuận tuyến hay không. Như vậy, sẽ biết được nhà xe nào bỏ tài, bỏ chuyến chạy dù.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, bên cạnh việc thực hiện tốt giải pháp về quy hoạch, cần tăng cường quản lý đối với vận tải khách theo hợp đồng bằng việc nâng điều kiện kinh doanh đối với loại hình này tương đồng với điều kiện kinh doanh tuyến cố định. Điều này sẽ tránh được việc lợi dụng hình thức hợp đồng tranh giành khách trong phân khúc thị trường vận tải khách tuyến cố định.

“Cần phân định rõ vận tải khách cố định và hợp đồng bằng việc làm rõ, thống nhất khái niệm hợp đồng vận tải trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đối với xe hợp đồng, hiện còn nhiều tranh luận về hình thức đặt xe qua điện thoại, đặt xe qua phầm mềm. Tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là hình thức đặt xe giống như hành khách đặt xe qua điện thoại tuyến cố định, không phải là một hình thức hợp đồng vận tải. Hợp đồng phải bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử với đầy đủ các tiêu chí của hợp đồng kinh tế chứ không thể coi hình thức đặt xe là hợp đồng”, ông Quyền nói và khẳng định. 

Theo các chuyên gia giao thông, bên cạnh loại hình xe hợp đồng đang diễn biến phức tạp, lĩnh vực taxi công nghệ càng trở nên khó quản lý hơn trong bối cảnh nhiều phần mềm ứng dụng gọi xe trong nước cùng tham gia thị trường. Các cơ quan chức năng không kiểm soát được số lượng phương tiện lợi dụng công nghệ để hoạt động, không kiểm soát được doanh thu cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Mặt khác, khi xảy ra sự cố, việc truy cứu trách nhiệm cũng không dễ dàng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP kinh doanh điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ có các quy định điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải đảm bảo hoạt động công bằng theo đúng pháp luật, có các chế tài, giải pháp quản lý được “xe dù, bến cóc”, xe trá hình. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 86 nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp ngành vận tải ô tô phát triển và góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Để quản lý xe hợp đồng, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mới nhất mà Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Chính phủ quy định: Đối với xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

Việc bổ sung nội dung này trong dự thảo, theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải nhằm đảm bảo quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, tránh đăng ký loại hình xe hợp đồng nhưng hoạt động như tuyến cố định, đăng ký kinh doanh tại địa phương này nhưng sau đó đưa phương tiện sang địa phương khác để hoạt động dẫn đến mất trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh với tuyến cố định và taxi trên địa bàn.

Trong dự thảo lần này, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quy định rõ hơn trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi sử dụng đồng hồ điện tử có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30cm.

Về nội dung này, đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 khuyến khích các loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng cạnh tranh (bao gồm cả taxi truyền thống), không có quy định nào làm giảm khả năng cạnh tranh của taxi công nghệ, đồng thời các quy định cũng đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình.

“Việc yêu cầu gắn hộp đèn cho xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ nhằm tăng cường việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, phân biệt với xe cá nhân. Mặt khác, việc quy định gắn hộp đèn cho xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ còn góp phần vào việc tổ chức giao thông trong đô thị”, đại diện Vụ Vận tải cho hay.

Quang Toàn (TTXVN)
Khách hàng hết cơ hội đặt xe hợp đồng ứng dụng phần mềm?
Khách hàng hết cơ hội đặt xe hợp đồng ứng dụng phần mềm?

Mặc dù nhiều chuyên gia góp ý cần có khung pháp lý riêng quản lý mô hình gọi xe công nghệ: Grab, FastGo, T.Net, Vato... Nhưng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ mới đây vẫn đề xuất quản lý các loại xe cung cấp ứng dụng kết nối như taxi truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN