Khách hàng hết cơ hội đặt xe hợp đồng ứng dụng phần mềm?

Mặc dù nhiều chuyên gia góp ý cần có khung pháp lý riêng quản lý mô hình gọi xe công nghệ: Grab, FastGo, T.Net, Vato... Nhưng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ mới đây vẫn đề xuất quản lý các loại xe cung cấp ứng dụng kết nối như taxi truyền thống.

Chú thích ảnh
Grab đang bị doanh nghiệp taxi truyền thống Vinasun kiện. Giữa cuộc "đại chiến" này,  Grab khẳng định vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Cần đặt quyền lợi người tiêu dùng làm trung tâm

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS.Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) cho hay: Phương án 1 của Dự thảo Nghị định mới đề xuất một sự thay đổi chính sách rất lớn, không cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ như: Grab, FastGo, T.Net, Vato… tiếp tục được kết nối với hành khách thông qua các phần mềm gọi xe và buộc xe hợp đồng phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn áp dụng phần mềm). 

“Phương án do Bộ GTVT lựa chọn mang lại lợi ích rất nhỏ so với những chi phí, tác động tiêu cực mà đề xuất này gây ra cho tất cả các bên. Nếu thông qua Nghị định này, Chính phủ có nguy cơ trái Luật Giao thông đường bộ (điểm c khoản 1 Điều 66 và điểm d khoản 1 Điều 66), Luật Giao dịch điện tử (Điều 12). Cụ thể, Điều 66 Luật Giao thông đường bộ quy định kinh doanh vận tải bằng xe taxi ‘cước tính theo đồng hồ tính tiền’", TS Vinh nói.

Đại diện CIEM phân tích: Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang kinh doanh vận tải theo hợp đồng bằng xe dưới 9 chỗ, nếu chuyển đổi, sẽ phải chịu chi phí chuyển đổi phù hiệu xe hợp đồng thành xe taxi và chi phí lắp đèn taxi… Nếu lựa chọn giữ nguyên loại hình xe hợp đồng không dùng phần mềm đặt xe, các đơn vị này sẽ phải đối mặt với tình huống tỷ lệ xe chạy rỗng gia tăng – đây là sự lãng phí rất lớn cho xã hội. Các công ty, hợp tác xã này bị tước quyền ứng dụng công nghệ và do đó, buộc phải quay lại sử dụng phương thức giao dịch truyền thống (hợp đồng giấy). 

Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ bị mất đi một sự lựa chọn đặt xe và di chuyển bằng xe hợp đồng và phần mềm trên điện thoại thông minh. Các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối sẽ chịu tác động kép, vừa mất đi một lượng đối tác vận tải; đồng thời, mất đi lượng khách không thích đi xe taxi mà chỉ thích đi xe hợp đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu yêu cầu doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một doanh nghiệp vận tải sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi, tăng chi phí, triệt tiêu lợi ích của họ. Đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ và chịu thiệt cuối cùng chính là người tiêu dùng.

“Mặc áo cũ” cho sự phát triển mới?

Dự thảo Nghị định lần này đã mở rộng định nghĩa về dịch vụ vận tải. Định nghĩa mới có phần không rõ ràng, nhưng hàm ý quy định tất cả các ứng dụng đặt xe như: Grab, FastGo, VATO, T.Net… là kinh doanh vận tải và do đó, phải tuân thủ tất cả các quy định quản lý và điều kiện kinh doanh vận tải (bao gồm cả sở hữu phương tiện, thuê người lao động, có bộ phận quản lý an toàn giao thông.).

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc quy định như trên thể hiện hàm ý muốn biến mô hình xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử trở thành mô hình taxi truyền thống, đơn vị ứng dụng kết nối trung gian trở thành đơn vị kinh doanh vận tải, là buộc mô hình có ứng dụng khoa học công nghệ mới vào khuôn khổ pháp lý cũ cho mô hình cũ là không phù hợp.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, từ bản Dự thảo gần nhất, việc đưa khái niệm "taxi điện tử" nhưng vẫn gắn với nhiều quy định bất hợp lý, dư thừa như yêu cầu gắn phù hiệu, hộp đèn... đã thể hiện sự yếu kém, lúng túng trong định danh của cơ quan quản lý, nay còn loại luôn khái niệm mới, đẩy tất cả về mô hình cũ là không thể chấp nhận được. 

“Để quản lý một mô hình mới như Grab không phải chuyện dễ. Từ luật hiện hữu của chúng ta đã không ổn, có xoay xở quy định kiểu gì cũng bất cập. Trong tình hình xã hội thay đổi quá nhanh, bắt buộc phải có điều chỉnh và đành phải chấp nhận một số bất cập chưa thể cải thiện. Tuy nhiên tất cả phải dựa trên một cơ sở logic, tư duy nguyên tắc rõ ràng, hợp lý. Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Có thể mình quản lỏng nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy coi như Bộ GTVT xóa sổ luôn Uber, Grab, đẩy hết thành Vinasun, Mai Linh. Điều ngày hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ, đẩy từ 4.0 về 0.4", ông Đức nói.

Khá bức xúc về vấn đề này, TS. Lương Hoài Nam nêu ví dụ Grab, đây là công ty công nghệ, cung cấp kết nối giữa người vận tải và khách hàng. Nó không phải doanh nghiệp taxi hay bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào khác. Nó không có phương tiện vận tải, chẳng có lái xe. Đánh tráo khái niệm, gọi Grab là "doanh nghiệp vận tải" chẳng khác nào gọi các công ty nước ngoài đang cung cấp hệ thống bán vé máy bay ở Việt Nam là các "hãng hàng không"?

“Grab sinh ra trong hoàn cảnh nào? Đó là khi người ta thấy rằng dịch vụ taxi truyền thống ở một số nước chưa đủ tốt cho người tiêu dùng, hoặc quá đắt hoặc quá kém. Cho nên, người ta làm ra công cụ huy động các lực lượng vận tải khác không phải taxi để tham gia vận tải, cạnh tranh với taxi truyền thống. Do đó, không thể coi các công ty cung cấp dịch vụ kết nối, kết giao hợp đồng điện tử là doanh nghiệp vận tải”, ông Nam chia sẻ.

Dịch vụ đặt xe trực tuyến: là cách thức yêu cầu một loại hình dịch vụ vận tải thông qua nền tảng kỹ thuật số trên thiết bị di động thông minh. Tại Việt Nam, dịch vụ này xuất hiện từ năm 2014, với sự góp mặt của một loạt ứng dụng kết nối như GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, Uber, EasyTaxi và đến nay đã và vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới như: VATO, T.Net, FastGo, Aber và Go-Viet (được hậu thuẫn bởi Go-Jek của Indonesia).
Grab cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu cho 20% người dân/tháng
Ngày 25/10, Công ty TNHH Grab đã có công văn số 2510/2018/CV-GrabVN gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự quan ngại về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam, Grab đã cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng; nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Trong 9 tháng năm nay, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng góp 500 tỷ đồng trong cả năm 2018.
Minh Phương/Báo Tin tức
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Cần sửa đổi luật để quản lý 'taxi công nghệ'
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Cần sửa đổi luật để quản lý 'taxi công nghệ'

Theo chương trình ngày mai (30/5) Quốc hội sẽ thảo luận chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2019, điều chỉnh Chương trình xây luật, pháp lệnh 2018, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xoay quanh nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN