Bất động sản và chứng khoán có thể không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2020

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2020 sẽ là năm khó khăn của dòng tiền, khi hiệu quả các kênh đầu tư đều có xu hướng giảm và rủi ro gia tăng. Trong đó, chứng khoán và bất động sản là hai kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

Bất động sản tăng trưởng chậm

Chú thích ảnh
Trong 2020, thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm. Nếu mua nhà để ở thì đây là thời điểm thích hợp, còn đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro cao.

Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS), nhiều ý kiến cho rằng, năm 2020 sẽ là năm khó khăn vì trong 3 năm trở lại đây, thị trường BĐS đã có sự tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu là phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc nhà ở bình dân vẫn đang khan hiếm nguồn cung. Điều này đã khiến cho thị trường BĐS không chỉ lệch về cung – cầu mà còn tạo nên sự đầu cơ, giá ảo.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, hiện thị trường bất động sản đang bị ách tắc, bị sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và do "độ trễ" nên sẽ còn tiếp tục tác động tiêu cực trong những năm tới, dẫn đến một số doanh nghiệp có thể lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản; người tiêu dùng khó tạo lập nhà ở do giá nhà có xu thế tăng giá theo quy luật cung - cầu (do cầu lớn nhưng nguồn cung ít). Xu hướng này dự kiến còn kéo dài đến năm 2020. Do đó, việc đầu tư hay đầu cơ đều không có lợi mà thậm chí có thể bị thua lỗ vì nhiều khu vực đang bị rớt giá mạnh, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh. Thực tế, từ đầu năm đến nay, giao dịch bất động sản giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư phải bán lỗ để trả lãi ngân hàng. Việc NHNN siết tín dụng BĐS càng làm thị trường này khó khăn hơn nữa năm 2020.

“Chưa kể, nhiều dự án bất động sản từ cuối năm 2018 đến nay đang bị Chính phủ thanh tra, xem xét tính pháp lý, nhất là các dự án của nhà nước được xây dựng để bán cho người dân; hay là những miếng đất của nhà nước được cấp cho các công ty phát triển dự án”, chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín cho biết thêm. Theo đó, năm 2020, tình hình thị trường BĐS cũng không có gì khác biệt nhiều như năm 2019, đặc biệt là những tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng nóng BĐS như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Nếu đầu tư tại những khu vực này sẽ không có gì có lợi.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest nhìn nhận, khó khăn của thị trường cũng như của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là do tinh thần luật mới chưa được chuyển hóa đến các cơ quan công quyền. Nguyên nhân luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai... đều có sự sửa đổi, theo đó nhiều quy định liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá, đấu thầu đất đai... cũng thay đổi. Tuy nhiên, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo, trong khi đó, nhiều đơn vị thực thi pháp luật hiện vẫn chưa hiểu rõ, chưa nắm được có cái gì mới, cái gì nên làm và cái gì không nên làm vì vậy không ai dám ký; đồng thời các cơ quan chức năng cũng không thể hướng dẫn các doanh nghiệp làm đúng Luật, khiến hàng loạt dự án bị chững lại…

Chứng khoán chỉ tốt trong quý 1

Theo ông Lê Vương Hùng, Giám đốc môi giới khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho biết từ năm 2012 đến nay, quý I luôn là thời điểm chứng khoán tăng trưởng mạnh và tốt nhất trong các quý của năm. Vì thế, năm 2020 cũng không ngoại lệ, quý I sẽ là cơ hội đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, lợi nhuận tăng trưởng đầu tư chứng khoán năm 2018 – 2019 không nhiều do mức tăng điểm của thị chứng khoán không cao và kéo dài. Do đó, ông Lê Vương Hùng dự đoán 2020 sẽ là năm có mức tăng điểm dài hơn, nhất là vừa qua Chính phủ đã có động thái yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nên cơ hội đầu tư chứng khoán đầu năm 2020 sẽ rõ ràng hơn.

Chú thích ảnh
Tiết kiệm sẽ là kênh đầu tư an toàn và lợi nhuận ổn định nhất.

Nói về cổ phiếu ngành đầu tư an toàn và sinh lợi nhất, ông Lê Vương Hùng cho biết: “Năm 2020 là năm Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh phát triển đầu tư công và kinh tế tư nhân, do đó các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ được hưởng lợi. Như vậy, đầu tư vào cổ phiếu ở các lĩnh vực này sẽ là cơ hội sinh lợi nhất. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang thúc đẩy phát triển mảng công nghệ thông tin nên những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này cũng có cơ hội tăng trưởng. Mảng thứ 3 là liên quan đến nhu cầu thiết yếu như điện, nước... Do vậy, những doanh nghiệp liên quan đến mảng này cũng sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020, thậm chí có thể kéo dài sang các năm tiếp theo. Nếu xét về quy mô các doanh nghiệp thì nên đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành. Vì trong bối cảnh suy thoái, những doanh nghiệp này vẫn duy trì được thị phần và doanh số tốt, cũng như lượng khách hàng”.

Từ giữa năm 2020 trở đi, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng sẽ có nhiều rủi ro. Theo ông Khánh phân tích, thị trường chứng khoán toàn cầu năm nay vẫn khá tốt, riêng thị trường chứng khoán Mỹ tăng 20%. Tuy nhiên, thị trường này đã trải qua 11 năm tăng điểm và đang ẩn chứa rủi ro chu kỳ, trong khi thanh khoản cũng đang giảm. Theo nhận định và đánh giá của Credit Suisse và Morgan Stanley, nếu đúng chu kỳ thì giữa năm 2020, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bắt đầu lao dốc.

“Tất nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Phan Dũng Khánh nhận định, “chưa kể, từ đầu năm 2019 đến nay, vốn hóa thị trường tăng khoảng 15%, trong khi thanh khoản giảm tới 35%. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa tăng không phải do giá cổ phiếu tăng mà do thị trường có thêm cổ phiếu niêm yết mới. còn thanh khoản giảm là dòng tiền vào thị trường giảm, nhà đầu tư ít giao dịch”.

Phân tích dữ liệu của Bloomberg cũng cho thấy, hiệu quả đầu tư của hàng loạt quỹ ngoại 11 tháng đầu năm 2019 tại thị trường Việt Nam rất thấp, thấp hơn nhiều lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Điều này có thể dẫn tới làn sóng rút vốn của khối ngoại năm 2020.

Vàng nhiều rủi ro, tiết kiệm vẫn là kênh tốt nhất

Chú thích ảnh
Đầu tư vàng vật chất không phải là kênh lợi nhuận tốt nhất, lại rủi ro cao.

Bàn thêm về kênh vàng, chuyên gia Bùi QuangTín cho biết sẽ nhiều rủi ro vì giá vàng tăng chậm và nhiều năm qua không có sự thay đổi nhiều. “Tôi khuyên nhà đầu tư nên hạn chế đầu tư kinh doanh vàng và nếu là nhà đầu tư không chuyên nghiệp cũng không nên đầu tư vàng vì tỷ suất rủi ro cao mà lợi nhuận không lớn. Theo số liệu thống kê của các nước trên thế giới, thời điểm khi thị trường vàng ở Việt Nam phát triển trước đây, trên 95% nhà đầu tư đều bị thua lỗ, kể cả nhà đầu tư chuyên nghiệp và tổ chức”, ông Tín chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Lê Vương Hùng cho rằng, vàng vật chất có thể chỉ là lựa chọn một phần để bảo toàn khi kinh tế bất ổn hay lạm phát tăng. Tuy nhiên, gần đây chính sách kiểm soát thị trường vàng trong nước của Chính phủ rất tốt nên cơ hội đầu tư vàng để sinh lời không còn nhiều. Do đó, những nhà đầu tư muốn yên tâm thì chỉ nên trích một phần nhỏ tài sản để đầu tư chứ vàng không phải kênh ưu tiên. Do đó, ông Hùng khuyến nghị kênh tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất vì lãi suất vẫn cao và ổn định. Hiện lãi suất dài hạn thấp nhất 6%, nếu trừ lạm phát hiện tại chưa đến 2,5% thì lãi suất thực vẫn gần 4%.

Thực tế, nếu cùng số tiền mua vàng nhưng đi gửi tiết kiệm thì lãi suất tiết kiệm sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn. Hiện lãi suất tiết kiệm từ 12 tháng trở lên khoảng 8%/năm, vừa hưởng tiền lời gần bằng vàng lại không có rủi ro, trong khi vàng lên xuống thất thường do phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, từ gần cuối năm 2019, các ngân hàng giảm lãi suất đồng loạt từ tiết kiệm đến cho vay với thời hạn ngắn từ 6 tháng trở xuống; ngay cả lãi suất trên thị trường mở cũng giảm mạnh, từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm. Nhiều chuyên gia dự kiến, mức lãi suất năm 2020 sẽ vẫn duy trì như năm 2019 hoặc có thể giảm tiếp trong điều kiện lãi suất trên thế giới cũng đang giảm dần để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa.

Do đó, nếu gửi tiết kiệm nhà rỗi, các chuyên gia khuyến nghị nên gửi dài hạn. Đối với dòng tiền linh động, nên chia ra các thời hạn khác nhau và gửi gối đầu để hưởng lãi suất tốt, đồng thời có thể xoay chuyển được dòng vốn khi đầu tư.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Bất động sản giảm lệ thuộc vốn ngân hàng
Bất động sản giảm lệ thuộc vốn ngân hàng

Theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/1/2020 nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ được siết chặt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN