Bảo vệ cá tra xuất khẩu

Mỹ đã đưa ra một số điều khoản mới mà có thể người nuôi cũng như cơ sở thu gom sơ chế, chế biến cá tra phải điều chỉnh so với thực tại thực hành đang áp dụng”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Cũng theo ông Tiệp, các doanh nghiệp và người nuôi cũng phải sẵn sàng điều chỉnh những gì nằm trong khả năng và phù hợp với chuẩn mực thông lệ quốc tế. Còn những vấn đề trong quy định của Mỹ không phù hợp với chuẩn mực quốc tế thì chúng ta phải đấu tranh.

Nhiều quy định gây khó


Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, nếu không tuân theo quy định mới của Mỹ, chắc chắn hàng cá tra của Việt Nam sẽ không xuất khẩu được vào thị trường này. Chẳng hạn, Mỹ đã đưa ra quy định trước tháng 3/2016, Việt Nam sẽ phải cung cấp danh sách các cơ sở hiện xuất khẩu, cũng như các tài liệu bằng văn bản của cơ quan quản lý và điều kiện tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu tại Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA).

Những quy định mới của Mỹ sẽ gây khó cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, qua khoảng thời gian ngắn nghiên cứu cũng thấy một số điểm trong các quy định của Mỹ chưa thực sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đó là việc điều chuyển cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm đối với loài cá da trơn. Trước đây vấn đề này do FDA chịu trách nhiệm quản lý, giám sát. FDA yêu cầu các nhà máy muốn xuất khẩu sang Mỹ phải áp dụng hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) và phía FDA sẽ định kỳ sang kiểm tra. Nhưng nay việc này chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong khi phương thức quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ không giống như của FDA.

Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu nước nào muốn xuất khẩu sản phẩm cá da trơn phải có hệ thống pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật tương đương với Mỹ. Điều đó tức là họ sẽ đánh giá hệ thống luật lệ của Việt Nam, các năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam và xem xét hệ thống pháp luật, năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam có tương đồng với Mỹ hay không, sau đó mới tiến đến công nhận tương đương với Mỹ. So với cách làm trước đây của FDA, cách làm hiện tại của Bộ Nông nghiệp Mỹ là theo hệ thống.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, một quốc gia đáp ứng được theo hệ thống sẽ khó hơn, phức tạp hơn và mất thời gian hơn. Điều chúng ta quan ngại nhất là sẽ mất nhiều thời gian để phía Mỹ có thể sang kiểm tra và tiến đến công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất cá tra, cá basa Việt Nam là tương đương với các quy định của Mỹ.

Theo đánh giá ban đầu của ông Nguyễn Thanh Bình, Việt Nam đã có nhiều điều kiện tương đương nhưng chưa thành hệ thống giống như Mỹ. Các quy định trong sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam có thể có trong văn bản này, văn bản kia nhưng vấn đề là cần tập hợp để so sánh với quy định của Mỹ. Từ khâu chế biến, phía Mỹ đã có các đoàn kiểm tra và công nhận chất lượng. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đăng ký với Mỹ và phía Mỹ cũng đã cho phép nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào từ trước đến nay. Hiện Việt Nam có khoảng gần 500 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn của EU. Khi đã đạt tiêu chuẩn của EU thì đạt tiêu chuẩn tương đương của Mỹ sẽ không có khó khăn nhiều.

Xem xét thông lệ quốc tế

Mỹ cũng đưa ra một số điều kiện, yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng, thu gom, vận chuyển, sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Tiệp, vấn đề là sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Mỹ đưa ra với của Việt Nam khác nhau như thế nào. Quan trọng hơn là tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phía Mỹ đưa ra có phù hợp với chuẩn mực thông lệ quốc tế hay không. Nếu trong quá trình nghiên cứu thấy quy định nào của Mỹ chưa thực sự phù hợp với các Hiệp định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những quy định của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hay tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex sẽ yêu cầu Mỹ giải trình, điều chỉnh sao cho phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Đồng thời đề nghị Mỹ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng ta phải nghiên cứu toàn diện và đầy đủ và tất cả điểm gì của Mỹ chưa phù hợp với thông lệ quốc tế thì sẽ đề nghị phía Mỹ điều chỉnh. Những gì đã phù hợp cũng đề nghị phối hợp với Việt Nam để làm sao quy định của Mỹ ban hành ra không cản trở thương mại giữa hai nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những văn bản với Mỹ về những điểm không phù hợp với chuẩn mực quốc tế thì đề nghị điều chỉnh. Đồng thời, cũng phải có thời gian chuyển tiếp đủ lớn để Việt Nam có thể đủ thời gian hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như năng lực thực thi để đáp ứng yêu cầu tương đương. Trong thời gian đó, Việt Nam cần sự hợp tác của Mỹ để duy trì xuất khẩu, không để gián đoạn xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ", ông Nguyễn Như Tiệp cho hay.

Nếu sau khi nghiên cứu đầy đủ và toàn diện, thấy rằng việc ban hành quy định này không phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu đến cả phương án là khởi kiện ra WTO. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để có thể nói rằng các quy định của Mỹ so với chuẩn mực quốc tế là không phù hợp ở mức độ nào. Nếu vấn đề về kỹ thuật không phù hợp thì có thể đề nghị họ điều chỉnh. Còn nếu sai về mặt phương thức, sai về nguyên tắc thì chúng ta có thể xem xét phương án khởi kiện.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết, sẽ nghiên cứu kỹ và phối hợp với các ban ngành để phổ biến các quy định với người nuôi, cơ sở thu gom, chế biến xuất khẩu.
Bích Hồng
Cá tra Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn
Cá tra Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn

Đầu tháng 12/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ lại đưa sản phẩm cá tra Việt Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thay vì thuộc phạm vi quản lý của của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) như trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN