Liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra

Phát biểu tại Hội nghị “Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra vững chắc” do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Cục chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối tổ chức ngày 30/7, ông Nguyễn Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để phát triển bền vững ngành cá tra tại vùng ĐBSCL cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành.

Bản thân các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng liên doanh liên kết, cùng người nông dân xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên việc triển khai liên kết chuỗi sản xuất còn yếu và chưa được thực hiện đồng bộ nên vẫn còn tình trạng “được mùa mất giá- được giá, mất mùa”.

Thu hoạch cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long.


Để phát triển bền vững ngành cá tra, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách quản lý, hỗ trợ ngành này. Theo Nghị định 36/2014 NĐ-CP ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá basa, hạn cuối đến ngày 31/12/2015 các cơ sở, doanh nghiệp nuôi cá tra, cá basa phải áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn Viet GAP hoặc GlooBal GAP. Trong nội dung đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Thủ Tướng Chính phủ ban hành cũng đã định hướng phát triển nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL phải gắn với thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Chính phủ cũng hỗ trợ thêm bằng chính sách cho vay theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP.

Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người nông dân với các cơ chế, chính sách thiết thực hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, ngành cá tra nói riêng, góp phần thúc đẩy ngành cá tra phát triển bền vững.

Thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã tích cực hỗ trợ bằng nhiều giải pháp tín dụng hiệu quả như quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cá tra, áp dụng lãi suất tối đa 7%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác từ 1-2%/năm. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay tín chấp. Dư nợ cho vay đối với ngành cá tra tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân giai đoạn 2010-2014 đạt 15%. Đến 30/6/2015, hiện dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt khoảng 25.500 tỷ đổng, tăng 6,25% so với cuối năm 2014.

Triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho hai doanh nghiệp là Công ty TNHH SXTMDV Thuận An (Tafischco) và Công ty TNHH Hùng Cá thực hiện hai dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra được tham gia chương trình với tổng số tiền là 1.642 tỷ đồng. Việc cho vay theo mô hình liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã đem lại những lợi ích thiết thực doanh nghiệp và hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Tafischco cho biết, dự án liên kết đã được công ty ấp ủ từ rất lâu. Mục tiêu của Chuỗi là mô hình liên kết dọc từ sản xuất cá giống, nuôi cá thịt, chế biến sản phẩm, đến thị trường tiêu thụ; trong đó có liên kết các khu vực dịch vụ khác như cung ứng thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, ngân hàng để đầu tư cho các khâu sản xuất. Tafischco là đơn vị bao tiêu cá theo giá thị trường, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi từ 2.000 - 2.200 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tấn, một hộ dân tham gia chuỗi liên kết cho biết: "Người nuôi cá chúng tôi rất hy vọng vào hướng sản xuất này, nhiều hộ dân khác cũng muốn tham gia. Chúng tôi không phải vay nợ ngân hàng, không phải lo đầu ra, có vốn sản xuất mà giá cá lại ổn định”.

Là người nhiều năm trăn trở với nghề cá, ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cũng cho biết, công ty đang thực hiện liên kết với 306 hộ dân. Vốn ngân hàng cho vay hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân hàng đầu tư cho vay để thực liên kết chuỗi sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra thực sự đem lại hiệu quả. Các hộ dân tham gia chuỗi liên kết không phải lo về vốn, đầu vào, đầu ra và được hỗ trợ về kỹ thuật. Quyền lợi của hộ nuôi gắn liền với quyền lợi công ty nên các hộ nông dân đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc thực hiện cho vay thí điểm cũng tạo thuận lợi rất lớn cho người nuôi và doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động nuôi cá, chế biến góp phần giảm giá thành sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nói chung đặc biệt là cá tra. Từ nhiều năm nay, chế biến xuất khẩu cá tra đã trở thành ngành kinh tế chiến lược với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 1.768 triệu USD, chiếm 22,56% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản, tạo việc làm cho khoảng 200.000 lao động tại khu vực này. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây, cá tra nuôi và chế biến có tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao, sản lượng cá tra nuôi phát triển từ vài trăm ngàn tấn đã tăng lên trên triệu tấn qua mỗi năm.


Viết Tôn
Tăng khả năng cạnh tranh cho cá tra
Tăng khả năng cạnh tranh cho cá tra

Nghị định 36/2014/NĐ - CP (Nghị định 36) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra sau một năm đi vào cuộc sống đã tạo được sự chuyển biến, giúp chấn chỉnh ngành nuôi cá tra, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh và gian lận thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN