Đến nay, các kiểm lâm viên đã xác định được 527 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ và 162 loài động vật được khai thác như lâm sản ngoài gỗ, qua đó lên phương án bảo tồn, xây dựng bản đồ phân bố các loài.
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En cho hay, đơn vị đang điều tra sự phân bố, sinh cảnh sống của loài trên 50 OTC (tuyến) với diện tích 2.000 m2/OTC. Đồng thời, xác định mối đe dọa, đánh giá tác động của người dân vùng đệm đối với các loài lâm sản ngoài gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và xây dựng bản đồ phân bố của một số loài lâm sản ngoài gỗ đặc hữu, quý hiếm, loài ưu tiên bảo vệ, từ đó xây dựng 600 bộ mẫu tiêu bản lâm sản ngoài gỗ của 200 loài và bộ ảnh màu tiêu bản của 200 loài.
Các kiểm lâm viên xuống thôn, bản giáp ranh để phát 2.000 tờ rơi giới thiệu một số loài lâm sản ngoài gỗ đặc hữu, quý hiếm, loài ưu tiên bảo vệ, loài có giá trị kinh tế cho người dân và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hội nghị tuyên truyền được tổ chức tại 34 thôn vùng lõi, vùng đệm giáp ranh với Vườn Quốc gia Bến En nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ thôn, bản về bảo tồn, phát triển, quản lý nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En xây dựng mô hình trồng 3 loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao gồm 600 cây trám đen, 4.000 cây sa nhân xanh, 8.890 cây sim. Thực hiện dự án này sẽ giúp Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En bảo tồn và phát triển bền vững các loài lâm sản ngoài gỗ tại tiểu khu rừng, góp phần bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu rừng Bến En.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, trong số 527 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ, có 374 loài là cây dùng làm dược liệu, 168 loài là cây làm thực phẩm, 27 loài là cây cho sợi, 23 loài cây chiết suất và 24 loài cây cho giá trị khác.