Nhiều diện tích rau màu của xã Rạng Đông bị ngập sâu. Ảnh: TTXVN phát
Triều cường kết hợp lượng nước mưa những ngày qua khiến cuộc sống người dân cũng như nhiều diện tích lúa, rau màu của nhiều địa phương ven biển tỉnh Ninh Bình bị ngập trắng.
Với lượng nước mưa lớn qua do ảnh hưởng của bão số 3, nhà dân ven bãi biển bị ảnh hưởng, nước tràn vào khoảng 1m khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Cao Văn Sao, xã Giao Ninh cho biết, gia đình ông có cơ sở lưu trú tại bãi biển Quất Lâm với gần 20 phòng nghỉ.
Trước bão, gia đình ông đã huy động nhân công di chuyển toàn bộ chăn ga, ti vi, tủ lạnh lên tầng 2 để tránh ngập. Chiều 22/7, toàn bộ giường tầng 1 đang ngập trong nước do cơ sở không thể di chuyển lên cao. Ngoài nước, lượng bùn cát trong nhà khá dày. Sau nước rút, gia đình ông tiến hành thực hiện các công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn cho cơ sở lưu trú.
“Nếu vẫn có điện thì việc vệ sinh rất dễ dàng, chỉ sợ điện lưới không đảm bảo thì người dân rất vất vả với lượng công việc khá lớn sau khi bão đi qua”, ông Sao chia sẻ.
Ngoài việc các hộ dân sinh sống và kinh doanh ở ven khu vực biển Quất Lâm bị ảnh hưởng, gần 90% diện tích lúa mới cấy của xã Giao Ninh bị ngập trắng.
Bà Trần Thị Thủy cho biết, gia đình bà vừa hoàn thành gieo cấy xong 4 sào lúa mùa trước khi bão đổ bộ. Tuy nhiên, hiện tại toàn bộ diện tích này đã ngập trắng. Lúa non mới cấy nếu không tiêu thoát nước nhanh sẽ phải cấy lại toàn bộ. Hiện trời vẫn mưa và nước chưa có dấu hiệu rút không chỉ khiến công sức người dân bị đổ bỏ mà còn khiến người dân lo lắng về thời vụ.
Vụ mùa năm 2025, tổng diện tích gieo cấy của xã Giao Ninh là 705 ha. Do ảnh hưởng của bão số 3, xã có tới 619 ha lúa bị ngập trắng, nguy cơ hư hại đối với lúa mới gieo trồng rất cao; diện tích trồng hoa màu Xuân Hè là 240 ha, trong đó có 198 ha bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 83% tổng diện tích cây màu toàn xã.
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Giao Ninh cho biết; Hiện tại ngoài diện tích lúa và hoa màu bị ngập, nước dâng cao khiến trên 225ha diện tích nuôi trồng thủy sản của xã cũng bị ảnh hưởng. Hiện, các hộ nuôi trồng thủy sản đang tích cực gia cố lưới bao, thực hiện các biện pháp bảo vệ con nuôi, tài sản.
Trước mắt, xã tiếp tục theo dõi sát hoàn lưu sau bão số 3, kiểm tra, rà soát toàn bộ đường đê biển và đê sông Sò, tập trung đánh giá các điểm xung yếu, có phương án tiêu thoát nước ngăn ngừa ngập úng và các vấn đề liên quan.
Dự báo những ngày tiếp theo, do hoàn lưu sau bão khiến nhiều nơi có mưa với lượng nước lớn. Các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, kiểm tra các hồ, đập, các công trình thủy lợi có phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và quy trình vận hành tiêu thoát nước.
Hiện các đơn vị cấp thoát nước trên địa bàn tỉnh đã vận hành 345 máy/110 trạm; 116 cống dưới đê; 19 cống được mở thoát nước trong đó Thác La mở 13 cửa; điều tiết hạ thấp mực nước hồ Yên Thắng nhằm đảm bảo tiêu thoát nước.