Bão số 3 gây ngập úng trên 121.300 ha cây trồng

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, do ảnh hưởng bởi bão số 3, đến 17 giờ ngày 22/7 đã có khoảng 121.301ha cây trồng bị ngập lụt, úng; trong đó, lúa là 120.613ha.

Chú thích ảnh
Mưa lớn gây ngập úng một số diện tích lúa của xã Đồng Châu (Hưng Yên). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Cụ thể: Ninh Bình có 74.703ha (lúa 74.017ha) bị ngập úng, Bắc Giang 174ha (lúa 172ha), Hưng Yên 39.224ha lúa, Thanh Hóa 7.200 ha lúa. Các địa phương khác đang tiếp tục cập nhật. 

Hiện các địa phương cũng đang vận hành 364 trạm với 1.594 máy để tiêu thoát nước. Cụ thể, Bắc Nam Hà 8 trạm/85máy, Hà Nội 41 trạm/98 máy, Hưng Yên 43 trạm/ 235 máy, Hải Phòng 76trạm/357 máy, Bắc Ninh 36 trạm/149 máy, Ninh Bình 98 trạm/396 máy, Phú Thọ 3 trạm/18 máy, Thanh Hóa 44 trạm bơm/205 máy và 13 cống (Ninh Bình 10 cống, Hà Nội 3 cống).

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi nhận định tình hình ngập lụt, úng, với khu vực Bắc Bộ theo dự báo lượng mưa các ngày tiếp theo có xu thế giảm kết hợp với mực nước chân triều thấp nên khả năng tiêu thoát sẽ thuận lợi, dự báo sau 2-3 ngày diện tích ngập lụt, úng sẽ giảm còn khoảng 40.000 -50.000 ha, tập trung trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên… Khu vực Bắc Trung Bộ với lượng mưa dự báo diện tích ngập lụt, úng có nguy cơ tăng lên khoảng từ 10.000 - 15.000 ha tập trung vùng đồng bằng và ven biển tỉnh Thanh Hoá.

Sáng ngày 22/7, Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi đã đi kiểm tra thực địa công tác phòng, chống ngập lụt, úng tại các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà. Thực tế cho thấy, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã tổ chức bơm tiêu nước đệm từ ngày 17, 18/7 đến nay, với tinh thần cứ có nước là bơm.

Qua làm việc với địa phương, Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Tùng Phong đánh giá cao chủ động ứng phó với cơn bão số 3 của địa phương, vận hành các công trình thủy lợi tiêu thoát nước phù hợp tình hình thời tiết, chủ động xử lý tình huống bất thường, mất an toàn công trình. 

Ông Nguyễn Tùng Phong đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi thông tin dự báo khí tượng thủy văn, chuẩn bị phương án ứng phó hoàn lưu sau bão. Đối với chính quyền địa phương 2 cấp, các địa phương cần chủ động triển khai công tác quản lý nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai theo phân cấp (cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, quản lý vận hành công trình). Cục sẽ thành lập đường dây nóng, hỗ trợ địa phương giải đáp thắc mắc và khó khăn.

Về tình hình các hồ chứa thủy lợi, lượng nước trữ trong các hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ trung bình đạt khoảng từ 65 - 100% dung tích thiết kế, trong đó, riêng Ninh Bình 100%. Các hồ đang vận hành xả tràn: hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) với lưu lượng xả 150 m3/s, hồ Cấm Sơn (Bắc Ninh) 14 m3/s.

Dung tích các hồ chứa Bắc Trung Bộ ở mức trung bình, dung tích bình quân của các hồ đạt từ 58 - 86% dung tích thiết kế. Các hồ đang vận hành xả tràn: hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) với lưu lượng xả 171 m3/s (qua phát điện); hồ Sông Sào (Nghệ An) 9m33/s; hồ Tả Trạch (Huế) 80 m3/s (qua phát điện).

Với các hồ chứa lớn như hồ Cửa Đạt, mực nước lúc 17 giờ ngày 22/7 đạt  64% dung tích thiết kế, tổng lưu lượng xả 171 m3/s qua phát điện; hồ còn 772,68 triệu m3 để trữ lũ. Hồ Ngàn Trươi đạt 31% dung tích thiết kế; hồ còn 535,8 3triệu m3 để trữ lũ. Hồ Tả Trạch đạt 94% dung tích thiết kế; hồ còn 251,78 triệu m3 để trữ lũ, tổng lưu lượng xả 80 m3/s qua phát điện.

Cục Quản lý và Xây dựng xông trình thủy lợi đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, đặc biệt lưu ý tới các hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có cửa van, hạ du đông dân cư sinh sống khi có mưa trên lưu vực hồ chứa.

Đối với công trình đang thi công, phải có phương án thi công phù hợp, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tuyệt đối không triển khai các hạng mục không đáp ứng tiến độ thi công vượt lũ. Các đơn vị thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ bảo đảm an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp; thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố, các hồ chứa đầy nước để kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “4 tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Bích Hồng (TTXVN)
Bộ Công Thương ra công điện hỏa tốc ứng phó khẩn cấp với hoàn lưu bão số 3
Bộ Công Thương ra công điện hỏa tốc ứng phó khẩn cấp với hoàn lưu bão số 3

Chiều 22/7, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc 5444/CĐ-BCT về tiếp tục triển khai ứng phó khẩn cấp với bão và hoàn lưu bão số 3 (WIPHA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN