Tại khu vực kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn ở mạng lưới chợ bán lẻ truyền thống như Bến Thành, Thị Nghè, Nguyễn Văn Trỗi, Quách Thị Trang…, mặt hàng bánh ú được bán buôn sôi động và tấp nập khách hàng. Năm nay, mặt hàng bánh ú được bán với giá dao động từ 40.000 - 120.000 đồng/chục (10 - 12 cái)
Cụ thể, bánh ú không có nhân thì giá bán ở mức từ 40.000 - 50.000 đồng/chục; bánh ú có nhân từ 60.000 - 80.000 đồng/chục. Riêng bánh ú có nhân và hương lá dứa, nếp cẩm… có giá bán khoảng 120.000 đồng/chục, tùy theo loại.
Chị Thu Hà, tiểu thương chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, cho biết, song song với các loại bánh ú truyền thống, một số loại bánh mới được đổi mới sáng tạo, bổ sung thêm nhiều hương vị mới đã tạo được sức hút với người tiêu dùng. Đặc biệt, mặt hàng bánh ú chủ yếu được cung cấp từ những đơn vị sản xuất bánh gia truyền, làng nghề, nên người tiêu dùng có xu hướng tìm mua những sản phẩm uy tín.
Cùng với mặt hàng bánh ú, sản phẩm cơm rượu, nếp cẩm, cũng được tiểu thương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chuẩn bị nguồn cung dồi dào với nhiều trọng lượng khác nhau để tạo điều kiện cho người tiêu dùng thưởng thức đặc sản trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay.
Theo đó, tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mặt hàng cơm rượu, nếp cẩm có giá bán phổ biến 60.000 đồng/kg, còn ở một số cửa hàng đặc sản có giá cao hơn, với mức chênh lệch từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, tùy nguồn cung cấp và thương hiệu sản phẩm.
Vào thời điểm này, mặt hàng trái cây, hoa tươi cũng có nguồn cung dồi dào ra thị trường TP Hồ Chí Minh và giá cả tương đối ổn định so với ngày thường. Qua khảo sát cho thấy, chỉ một số loại trái cây, hoa tươi hút hàng hay sức mua tăng cao thì có giá tăng nhẹ so với ngày thường. Đối với ngành hàng hoa tươi cắt cành, hoa cúc vàng, cẩm chướng có giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/bó; hoa đồng tiền, hướng dương 50.000 - 60.000 đồng/bó; lá xông 15.000 - 35.000 đồng/bó…
Với người Nam Bộ, mặt hàng bánh ú, cơm rượu, nếp cẩm, chè, trái cây, hoa tươi, bó lá xông… là những sản vật không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Do đó, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, tại thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng ngàn sản phẩm bánh ú; trong đó xóm bánh ú thuộc khu vực quận 8 cung cấp ra thị trường bình quân khoảng 200.000 sản phẩm bánh ú.
Anh Hàng Thành Hiển, cư ngụ tại quận 1, cho rằng, trong những năm gần đây, có nhiều nền văn hóa du nhập vào Việt Nam, nên việc giữ gìn văn hóa truyền thống ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, mỗi gia đình cần giáo dục văn hóa truyền thống của dân tộc cho các em thiếu nhi và giới trẻ.
“Chính vì vậy, bên cạnh vấn đề phong tục, tập quán, duy trì và nuôi dưỡng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua các dịp Lễ, Tết hay truyền tải về nguồn gốc xuất xứ các sản vật vùng miền, bản địa đóng vai trò quan trọng. Tết Đoan Ngọ là một ngày văn hóa truyền thống của người Việt cần được duy trì, bảo tồn và quảng bá”, anh Thành Hiển cho biết thêm.
Theo một số đơn vị kinh doanh, sức mua những mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn đã tăng 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sức mua sẽ tiếp tục tăng trong phiên chợ cuối ngày, mang lại doanh thu cao cho các đơn vị bán buôn trong ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn.