Băn khoăn các quy định mới về sản xuất, kinh doanh bia

Những quy định mới được đưa ra trong dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương đang gây tranh cãi trong dư luận, trong đó có quy định về việc dán tem lên bia và cấm bán bia cho một số nhóm đối tượng.


Dán tem bia có thể gây lãng phí


Tại hội thảo góp ý cho Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương diễn ra hôm qua (9/9), ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát tỏ ý băn khoăn trước quy định “bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm”. Đây là điều hoàn toàn mới bởi sản phẩm bia hiện nay chưa hề được dán tem. Ông Việt cho biết, hiện nay Việt Nam sản xuất khoảng hơn 3 tỉ lít bia/năm, tương đương với khoảng 10 tỷ sản phẩm, tức là cần đến 10 tỷ con tem. “Việc dán tem rất khó khăn và tốn kém. Vì vậy chưa nên đưa vào nghị định lần này”, ông Việt đề nghị.


Đồng tình với quan điểm của ông Việt, đại diện các công ty bia cũng tỏ ra lo lắng trước quy định này. Ông Vũ Xuân Dũng, Phó TGĐ Công ty bia Hà Nội đề nghị cần có nghiên cứu cụ thể hơn. Ông Dũng tính toán, một con tem có chi phí khoảng 160 - 170 đồng. Như vậy với khoảng 10 tỷ con tem thì chi phí quá lớn, lên tới 1.600 - 1.700 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, chi phí của doanh nghiệp (DN) cũng chính là chi phí của xã hôi.


“Các nhà máy khác nhau sử dụng công nghệ khác nhau, dây chuyền khác nhau nên khi dán tem sẽ cần phải khảo sát cho phù hợp. Các sản phẩm khác nhau như lon, chai... thì cách dán tem cũng khác nhau. Do đó cần có đề án riêng đối với việc dán tem này, chưa nên đưa vào nghị định”, ông Dũng đề xuất.
Đại diện Công ty bia Sài Gòn cũng tính toán, nếu quy định mới này được áp dụng thì mỗi năm, công ty của ông phải chi khoảng 800 tỷ đồng cho việc dán tem, vượt quá khả năng quỹ maketing cho phép. Việc dán tem nếu không được kiểm soát tốt còn dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, như là sử dụng một tem cho nhiều sản phẩm. Việc kiểm soát tem cũng tốn thêm chi phí tương đối lớn như: máy móc nhận diện tem, nhân lực giám sát việc dán tem”, vị đại diện này phân tích.


Hơn nữa, theo các DN, thị trường bia nội địa Việt Nam đang tập trung vào 4 hãng bia lớn nên việc dán tem cho các DN này là chưa cần thiết. Thay vào đó, thị trường nhập khẩu còn bỏ ngỏ, nếu áp dụng quy định dán tem thì nên tập trung vào bia nhập khẩu hơn.


Trước băn khoăn của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Kim Thoa cho biết, nếu tính sản lượng chung, 4 tỉ sản phẩm ngành thuốc lá mỗi năm cũng đã thực hiện dán tem được thì vì sao bia không thực hiện được. Bà Thoa cho biết, nếu quy định dán tem được áp dụng, những cán bộ quản lý thị trường sẽ được trang bị một thiết bị máy móc có thể phát hiện tem thật hay tem giả. “Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu thêm, không phải vì mục tiêu quản lý mà làm khó cho DN và người dân”, bà Thoa nhấn mạnh.


Băn khoăn với quy định xử phạt


Bên cạnh quy định đối với các DN sản xuất bia, dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định mới, trong đó có nhiều lệnh cấm, đối với khối kinh doanh bia. Những lệnh cấm này đang được dư luận rất quan tâm. Cụ thể, thương nhân kinh doanh bia không được bán bia cho người dưới 18 tuổi, người có biểu hiện say rượu bia, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú.


Mặc dù quy định này là để bảo đảm sức khỏe cho chính những người mua bia, tuy nhiên, dư luận còn băn khoăn việc làm thế nào để xác định được đối tượng hạn chế bán bia như trên, chẳng hạn như phụ nữ có thai ở những tháng đầu, hay đang cho con bú.


Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đơn vị thường trực ban soạn thảo, cho rằng, nước ngoài đều đưa ra quy định như vậy. Nếu thấy bà bầu đến mua bia rượu mà cửa hàng vẫn bán thì sẽ bị phạt rất nặng. Với những người trẻ tuổi, nếu thấy nghi ngờ dưới 18 tuổi thì phải kiểm tra chứng minh thư để xác định.


“Khi chúng tôi làm việc với các cơ quan quản lý ở nước ngoài để hỏi họ về cơ chế giám sát thì họ cho biết, không thể ngồi canh người bán bia 24/24 nhưng nếu phát hiện ra sai phạm bán bia cho người say, trẻ em thì sẽ bị phạt nặng để không tái phạm. Cần phải có chế tài, quy định để khi vi phạm xảy ra còn có cơ sở xử phạt. Người dân nước ngoài họ tuân thủ pháp luật tốt hơn ta nhưng không vì thế mà ta không đưa ra quy định”, ông Dũng chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Đình Thưởng, Vụ Pháp chế, nếu không nhận định được đối tượng trên 18 tuổi mà bán bia thì có thể linh động nhưng nếu biết dưới 18 tuổi, như thấy học sinh mặc đồng phục, mà vẫn bán thì là vi phạm.


Với quy định không được bán bia cho người say rượu bia, một số ý kiến băn khoăn người say khi mất kiểm soát có thể đập phá, gây gổ, theo ông Dũng, cơ quan pháp luật sẽ điều chỉnh hành vi đó. “Chính vì uống say mới dẫn đến gây gổ, không tuân thủ pháp luật. Đối với việc bán bia cho người say, tất nhiên không phải lúc nào công an cũng ở đó nhưng nếu có công an thì người bán sẽ bị xử phạt”, ông Dũng nhấn mạnh.

 

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết thêm, dự thảo này nhằm triển khai, cụ thể hóa Quyết định 244 ngày 12/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đưa ra quy chuẩn về lượng rượu bia và đồ uống có cồn tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ, cũng như các quy chuẩn khác để người mua và người bán bia có thể dựa vào đó thực hiện.


Hoàng Dương

Bia nội tìm đường thoát trước nhiều thách thức
Bia nội tìm đường thoát trước nhiều thách thức

Các doanh nghiệp bia nội đang gặp hàng loạt những khó khăn, không chỉ đến từ sự cạnh tranh của các DN ngoại mà còn bởi những 'hàng rào' ngày càng chặt chẽ trong nước. Sản xuất bia không cồn được coi là một hướng đi mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN