Chiều 23/7, tại cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí nhằm cung cấp các thông tin trong lĩnh vực y tế đang được người dân và xã hội quan tâm, đặc biệt là thông tin về đề xuất không bán rượu, bia từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng.
Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong lần sửa thứ 2 dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, đã đề xuất tới ba phương án liên quan đến nội dung cấm bán rượu bia sau 22 giờ.
Theo đó, phương án một là cấm bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Theo bà Trần Thị Trang, đây là phương án tối ưu nhất, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia, nhưng rất cần những nỗ lực trong công tác tổ chức thực hiện. Lý do Ban soạn thảo chọn quy định cấm sau 22 giờ vì sau thời điểm đó cơ thể không dung nạp tốt rượu bia, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
Phương án hai, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. “Với phương án này, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Khánh Hòa sẽ triển khai trước. Trên cơ sở đó, quy định sẽ được nhân rộng toàn quốc khi có đủ điều kiện”, bà Trang cho biết.
Về phương án ba, chỉ hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác, chưa định thời gian cấm bán trong dự thảo Luật. Nếu lựa chọn phương án này, kể cả trường hợp tăng cường tuyên truyền thì hiệu quả cũng không cao vì không phải chế tài bắt buộc. Tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn sẽ gia tăng…
Bà Trần Thị Trang khẳng định, sẽ thực hiện việc lấy ý kiến người dân và đánh giá tác động của các phương án trên trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Dù áp dụng phương án nào, công tác tuyên truyền giáo dục vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, cần áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các cơ sở đã được tuyên truyền, giải thích, phổ biến, vận động nhắc nhở, nhưng cố tình vi phạm. “Khi đã tuyên truyền mà vẫn vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm. Chỉ xử phạt thật nặng một cơ sở, rút giấy phép đưa lên báo chí thì cơ sở khác sẽ tự thực hiện theo quy định”, bà Trang nhấn mạnh.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. 70% số vụ tai nạn giao thông tại nước ta có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18-24h. Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục.
Việc sử dụng rượu, bia ở môi trường công cộng, đông người thường có xu hướng làm cho người sử dụng gia tăng lượng uống rượu, bia, dễ dẫn đến lạm dụng, say rượu, bia… Trong khi đó, 168 quốc gia trên thế giới, trong đó có 9 quốc gia ASEAN quy định thời gian cấm bán rượu, bia, đa số là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 giờ hoặc 8 giờ hôm sau.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Y tế cũng đã chia sẻ với báo giới về các thông tin liên quan đến tình hình chất lượng nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường; một số nội dung về cơ chế, chính sách tài chính y tế và giá dịch vụ y tế.
Nguyễn Bích Thủy