Bài học về cảnh giác cho doanh nghiệp sau vụ 100 container hạt điều nghi bị lừa đảo tại Italy 

Sau các nỗ lực từ nhiều phía, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận lại 100 container hạt điều nghi bị lừa đảo tại Italy. Đây là bài học đắt giá cho thấy doanh nghiệp cần phải cẩn trọng trong giao dịch thương mại quốc tế.

Chú thích ảnh
Thương vụ Việt Nam tại Italia làm việc với chính quyền cảng La Spezia. Ảnh: Dương Hoa/Hải Linh - PV TTXVN tại Italy.

Bộ Công Thương cho biết, theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Italy, đến nay toàn bộ hơn 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italy đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, trong số này là 35 container bị mất toàn bộ chứng từ gốc, đã và đang được đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Italy hoặc bán sang nước thứ ba.

Kết quả này có được là nhờ công tác huy động nhanh chóng mọi nguồn lực trực tiếp, gián tiếp để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương, các bộ, ngành cùng những cơ quan liên quan và sự phối hợp tích cực.

Mặc dù đã lấy lại được quyền kiểm soát toàn bộ container hàng nhưng tổn thất đối với các doanh nghiệp Việt là rất lớn khi phải chi trả chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hoá, phí thuê luật sư, cước tàu vận chuyển hàng từ Italy đi các nơi… Theo thương vụ Việt Nam tại Italy, đây sẽ là một bài học lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải tìm hiểu kĩ thông tin của đối tác.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro và câu chuyện 100 container điều vừa rồi là một dẫn chứng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong vụ việc 100 container hạt điều, phía Việt Nam đã nhanh chóng huy động sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, từ sự quan tâm cao nhất từ Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành.

"Ngay sau khi nhận được thông tin doanh nghiệp thất lạc 100 container điều, Bộ Công Thương đã lập ra tổ đặc trách gồm các cán bộ của nhiều đơn vị liên quan; phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành nghề và Thương vụ Việt Nam tại Italia, giúp quá trình thu hồi 100 container điều diễn ra thuận lợi”, ông Hải cho biết. 

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, các doanh nghiệp xuất khẩu điều trong vụ việc đều có điểm chung là giao dịch xuất khẩu thông qua doanh nghiệp môi giới là 1 doanh nghiệp Việt kiều đóng tại Hoa Kỳ. Doanh nghiệp này cũng đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam một thời gian. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã có niềm tin với doanh nghiệp đó.

"Từ hiện tượng này có thể thấy, rủi ro thậm chí xuất phát ngay từ những đối tác, những giao dịch mà doanh nghiệp từng tin cậy thời gian trước đó. Do đó, xác minh độ tin cậy của bạn hàng qua các đơn vị tư vấn, qua cơ quan thương vụ tại nước ngoài là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không được bỏ qua việc yêu cầu người mua đặt cọc cho lô hàng. Điều này thể hiện mức độ cam kết và sự nghiêm túc của đối tác", ông Trần Thanh Hải thông tin.

Riêng về phương thức thanh toán, hiện nay, phương thức thanh toán qua Thư tín dụng chứng từ (L/C) là phương thức an toàn và tốt nhất cho người bán. Tuy nhiên, phương thức này lại không được người mua hưởng ứng vì liên quan đến việc quay vòng vốn.

Theo ông Trần Thanh Hải, đối với vụ việc 100 container hạt điều, doanh nghiệp đã thanh toán bằng hình thức nhờ thu bằng chứng từ, tức là sau khi giao hàng xong thì người bán sẽ gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng như một bên thứ ba. Ngân hàng giữ ở đó đến khi người mua nhận được hàng và thanh toán tiền cho ngân hàng thì ngân hàng chuyển tiền lại cho người bán.

Về cơ bản thì đây là phương thức tương đối đảm bảo vì nó mang tính trung lập cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi chuyển phát, bộ chứng từ chưa đến ngân hàng đã bị đánh tráo. Trong khi đó, bộ chứng từ gốc trong các chứng từ, gồm cả vận đơn, đơn giao hàng… đó là tài liệu để chứng nhận quyền sở hữu đối với lô hàng. Ai cầm được bộ chứng từ đó thì có quyền nhận hàng. Do đó, bộ chứng từ gốc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giao dịch thương mại quốc tế. 

“Việc chúng ta phải xác minh cũng như đánh giá độ uy tín của doanh nghiệp mua hàng là yêu cầu hàng đầu khi doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, trong việc thương thảo hợp đồng, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam thường giao quyền soạn thảo hợp đồng cho đối tác. Điều này sẽ khiến cho việc, khi xảy ra tranh chấp, bất lợi sẽ nghiêng về phía doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp được khuyến cáo, nên có sự đàm phán để có quyền soạn thảo nội dung, để khi xảy ra tranh chấp thì ta có thể kiểm soát được và có sự thuận lợi nhất định trong tranh chấp", ông Trần Thanh Hải cho hay.

Theo ông Hải, khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp nên có sự tham gia của các đơn vị tư vấn. Đồng thời, chúng ta có Hội đồng trọng tài quốc tế Việt Nam là cơ quan thuộc VCCI là cơ quan tiếp nhận và xử lý tranh chấp hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, đây là nguồn thông tin doanh nghiệp có thể tham khảo. Cùng với đó, các cơ quan khác như hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là những kênh hỗ trợ tin cậy cho doanh nghiệp.

Thu Trang/Báo Tin tức
Việt Nam giành lại được toàn bộ lô hạt điều bị mất kiểm soát tại Italy
Việt Nam giành lại được toàn bộ lô hạt điều bị mất kiểm soát tại Italy

Chiều 23/6, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thêm thông tin về việc Việt Nam giành lại toàn bộ lô hạt điều bị mất kiểm soát tại Italy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN