Có một thực tế triển khai vùng rau an toàn (RAT) trong thời gian qua ở Hà Nội là giá thành thường cao hơn rau thường do phải áp dụng đúng quy trình sản xuất, kiểm soát về thời gian khi phun thuốc. Chính vì vậy, làm sao có đầu ra ổn định cho RAT để bà con yên tâm sản xuất và cũng tạo niềm tin cho người tiêu dùng là vấn đề hết sức quan trọng. Chính vì vậy Chi cục BVTV thành phố đang phát triển điểm phân phối RAT qua khu dân cư, cơ quan, đơn vị.
Tạo sự yên tâm khi mua rau
Chúng tôi đến điểm phân phối của cô Vũ Thị Phấn (số nhà 33, ngõ 90, đường Khuất Duy Tiến) lúc 7 giờ sáng nhưng đã có lác đác người dân trong khu đến lấy RAT. “Họ đến lấy hàng cho kịp đi làm buổi sáng đấy cháu ạ, hoặc là họ đi qua chợ cóc gần đây mua thịt cá rồi quay lại đây lấy rau. Cô mở cửa phân phối cho bà con trong khu tầm từ khoảng 6 giờ đến 8 giờ sáng là cơ bản lấy hết. Nếu ai chưa lấy thì tầm chiều đi làm về lấy nốt”, cô Phấn vừa phân loại rau vừa giải thích.
Trước đó, cô Phấn thường mua RAT ở khu dân cư kế bên về ăn. Nhận thấy mô hình thiết thực với nhiều bà nội trợ, cô Phấn đứng ra làm điểm phân phối RAT cho bà con khu Nam Thăng Long 1 từ đầu tháng 10/2012. Tháng đầu, do mới và mọi người chưa hiểu RAT nên chỉ chục hộ lấy thử, tiêu thụ chỉ khoảng 40 kg và mỗi tuần 2 buổi. Đến nay, nhiều người bắt đầu tin tưởng nguồn gốc RAT nên bình quân ngày cao điểm tiêu thụ 100 kg và cô nâng lên 1 tuần 3 buổi.
Bản tin công bố giá cả rau hàng tuần. |
“Những người đến mua rau là chị em sinh hoạt trong hội phụ nữ. Những bà nội trợ vừa cân đo đong đếm sao cho vừa túi tiền, vừa phải lo an toàn sức khỏe. Chúng tôi đi chợ cóc gần đó, thấy rau xanh non mơn mởn nhưng không rõ nguồn gốc ở đâu; trong khi tại điểm RAT này biết rõ điểm sản xuất và quan trọng hơn là có đơn vị giám sát”, bà Nguyễn Thị Là, tổ phó tổ dân phố số 3, chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hảo, một người đăng ký mua rau tại điểm phân phối của cô Phấn thừa nhận: “Mua rau ở đây thì yên tâm dù giá cao hơn ngoài đôi chút vì có cơ quan nhà nước kiểm tra. Giờ có tuổi nên cần ăn đồ sạch, tôi vẫn mua thường xuyên ở điểm phân phối này chủ yếu do tin tưởng”.
Cô Phấn và chồng đang phân phối rau cho bà con trong khu. |
Cô Phấn cho biết: “Thời gian đầu, cô căn cứ vào báo giá của các HTX rồi lựa chọn đơn vị nào có giá rẻ, có nhiều chủng loại mọi người cần. Nhưng có HTX 4 giờ đã mang đến, có HTX tận 8 giờ mới chuyển hàng khiến nhiều bà con lỡ giờ đi làm. Sau vài lần thay đổi, chúng tôi quyết định lấy rau của HTX Văn Đức (Gia Lâm) bởi họ giao hàng đúng tầm 6 giờ. Từ cuối tháng 12, việc đặt hàng sẽ qua sàn giao dịch để sản phẩm phong phú hơn, đưa đúng giờ và giám sát cả chất lượng rau”.
Sau 3 tháng hoạt động, điểm bán RAT của cô Phấn đã có hơn 30 hộ thường xuyên đăng ký mua rau quả. “Nếu làm chặt chẽ, giá cả hợp lý, số lượng sẽ còn tăng lên”, bà Kim Phượng chia sẻ.
Mở rộng điểm phân phối
Khi dẫn chúng tôi đi khảo sát các điểm bán rau tại các điểm dân cư, chị Thu Hà, cán bộ Chi cục BVTV cho biết: “Kinh doanh rau có nhiều rủi ro, rau là mặt hàng tươi nên chỉ tính toán không đúng về nhu cầu mà nhập hàng buổi sáng nhiều, buổi chiều dư vài chục kg coi như là lỗ”. Chính vì vậy, Chi cục BVTV đã kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng đang được triển khai là “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn” (gọi tắt là sàn giao dịch rau quả). Theo đó nguồn cung là các HTX thuộc dự án sản xuất rau an toàn và điểm phân phối RAT triển khai tại khu dân cư, cơ quan nhằm giảm chi phí trung gian, đưa rau tới trực tiếp người tiêu dùng.
Cô Phấn cho biết: Bà con trong khu sẽ đăng ký số lượng, chủng loại trước hôm giao hàng 1 hôm, sau đó cô sẽ báo lên sàn giao dịch. Họ sẽ báo lại cho các HTX. Vì số lượng được báo trước nên hình thức này hạn chế tình trạng dư thừa.
“Các HTX có năng lực về sản xuất chứ chưa giỏi tiếp thị. Do đó, sàn giao dịch rau quả sẽ làm nhiệm vụ tìm đầu ra cho các cơ sở sản xuất RAT. Điểm phân phối chịu sự quản lý khép kín của Chi cục BVTV Hà Nội”, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV khẳng định.
Hiện sàn đang do công ty VietXan quản lý vận hành dưới sự kiểm soát của Chi cục BVTV Hà Nội và đang nhận hỗ trợ kinh phí của thành phố trong giai đoạn đầu”, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết. “Trước đây, việc giao dịch mua bán RAT diễn ra trực tiếp giữa người tiêu dùng và sản xuất. RAT được sản xuất ra nhưng ai giám sát trong quá trình lưu thông? Chính vì vậy, sàn giao dịch rau sẽ là trung gian và Chi cục BVTV là cơ quan giám sát trực tiếp về chất lượng. Sàn được giao làm điểm kết nối các điểm phân phối này, tiếp thị điểm phân phối rau an toàn; đưa rau tại nhà. Do đó, đây là hình thức kiểm soát có hệ thống từ nơi sản xuất đến trực tiếp người tiêu dùng. Hiện mô hình đang hoạt động thử nghiệm và Chi cục sẽ khắc phục những nhược điểm dựa trên phản hồi của các điểm tiêu thụ. Do đó, người tiêu dùng có thể gọi điện qua sàn giao dịch rau hoặc Chi cục BVTV để được giải đáp cũng như đăng ký tham gia vào từng nhóm phân phối ở khu dân cư. Sản phẩm các tỉnh về Hà Nội cũng có một số kết nối qua sàn để thống nhất đầu mối quản lý”.
Theo Chi cục BVTV, mỗi điểm phân phối RAT có khoảng 50 hộ dân, địa điểm tiếp nhận RAT được đặt cố định có gắn biển hiệu, bảng giá RAT của các HTX... Nhóm trưởng sẽ kết nối lựa chọn đặt hàng qua sàn. Mỗi tuần đưa rau từ 2-4 lần theo đơn đặt hàng của từng điểm. Hiện đã có khoảng 40 điểm phân phối RAT tập trung tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình… Trong kế hoạch, dự kiến trong quý I mở thêm 300 điểm và quý II/2013 mở khoảng 600 điểm phân phối RAT.
Bài và ảnh:Xuân Cường