Kiểm soát rau an toàn Từ sản xuất tới tiêu dùng - Bài 1: Bảo đảm quy trình sản xuất rau an toàn

Rau an toàn đang được nhiều người tiêu dùng sử dụng bởi liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, rau an toàn đang được kiểm soát ra sao để tạo dựng lòng tin là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của người tiêu dùng.

 

Bài 1: Bảo đảm quy trình sản xuất rau an toàn

 

Hiện nay Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đang triển khai mô hình tiêu thụ rau an toàn (RAT) kết nối thẳng giữa người sản xuất và tiêu dùng qua “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn” (gọi tắt là sàn giao dịch rau). Mô hình này đã giảm bớt được khâu trung gian và giúp kiểm soát được chất lượng rau.

 

Kiểm soát khâu sản xuất


Hiện Hà Nội đang xây dựng 30 dự án rau an toàn (RAT) tập trung, với tổng diện tích gần 2.030 ha. Theo đó Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Hà Nội chỉ đạo Chi cục BVTV phối hợp quản lý chỉ đạo 3 vùng sản xuất RAT tập trung có diện tích lớn gồm xã Văn Đức (Gia Lâm) 250 ha, Duyên Hà (Thanh Trì) 57 ha, Thanh Đa (Phúc Thọ) 50 ha.


Bác Huy đang rắc tro ủ ấm cho rau tại HTX Đại Lan.


Điểm rau an toàn tại HTX Đại Lan (xã Duyên Hà), cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, nằm ngoài đê sông Hồng được Hà Nội đầu tư 19 tỷ đồng cho hệ thống hạ tầng, nguồn nước thuận lợi cho trồng RAT. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rau an toàn, ông Đặng Bá Thắng, chủ nhiệm HTX cho biết: HTX tham gia quy trình sản xuất RAT từ năm 2000. Hiện vùng sản xuất RAT rộng trên 50 ha, trong đó có gần 10 ha sản xuất theo quy trình Viet GAP (có ghi chép quá trình sản xuất).
HTX Đại Lan tập huấn phổ biến quy trình sản xuất 30 loại rau theo quy định của Sở NNPTNT Hà Nội tới tất cả hộ nông dân từ khâu giống, làm đất, tưới nướ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.


Chỉ vào luống cải chíp mà bà con đang thu hoạch, bác Huy, một nông dân của HTX Đại Lan cho biết: “Ngoài tập huấn, chúng tôi còn được phát tờ rơi với nhiều hình ảnh sinh động về kỹ thuật sản xuất. Chẳng hạn như nguồn giống cải chíp sử dụng từ cơ sở cung ứng có uy tín, rõ ràng; lượng giống 3.000 - 3.500 gram/ha. Loại đất phù hợp cho cải là cát pha, giàu mùn với độ pH từ 5,5-6,5. Nguồn nước tưới dùng từ hệ thống nước ngầm đã qua lọc của HTX, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Trong khâu bón phân ưu tiên sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không sử dụng nước phân tươi để bón và tưới”.


Ông Đặng Bá Thắng cho biết: “Với người trồng rau, có trạm xử lý nước ngầm và hệ thống tưới được đầu tư đồng bộ, hiện đại là niềm mơ ước bởi giúp giảm công lao động và chủ động nguồn nước. Ngày chúng tôi bơm 3 tiếng vào hệ thống lọc vào buổi sáng và chiều, đáp ứng đủ nước tưới cho bà con tưới và sơ chế rau an toàn. Còn phân bón sử dụng hợp lý, cân đối giữa các loại phân hữu cơ đã ủ hoại mục, phân vi sinh và phân vô cơ”.

 

Kiểm soát khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật


Trong quy trình kiểm soát sản xuất, việc kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV được HTX và Chi cục BVTV đặt ra nghiêm ngặt. Chỉ vào những tấm biển xanh được cắm tại những thửa rau, chị Thu Hà cán bộ Chi cục BVTV giải thích: “Đó là những luống rau sử dụng thuốc BVTV do Chi cục BVTV cung cấp và đã đủ ngày tiêu độc trong thuốc cho phép thu hoạch. Còn những thửa ruộng khác chưa cắm biển xanh thì bà con vẫn đang trong quá trình được phun thuốc trong danh mục”.


“Tất cả xã viên HTX Đại Lan được hướng dẫn chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau, ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thảo mộc..., ít độc, thời gian phân hủy nhanh đề phòng trừ dịch hại trên rau. Cùng với bà con nông dân, cán bộ HTX và BVTV hàng ngày kiểm tra đồng ruồng, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng cách thuốc BVTV. Chẳng hạn như cải chip, giai đoạn đầu vụ - giữa vụ (sau gieo 5-15 ngày), chú ý các đối tượng bọ nhảy, sâu tơ, sau xanh bướm trắng, sâu khoang và bệnh thối gốc. Với bọ nhảy mật độ 3 - 5 con/m2 xử lý bằng hoạt chất Acetamiprid…”, ông Thắng cho biết.


Bên cạnh tuyên truyền, hàng ngày, trạm BVTV bố trí 1 cán bộ trực tiếp tại HTX để kiểm soát việc phun thuốc và thu hoạch rau, rồi dán tem nhận diện rau an toàn đối với sản phẩm rau đạt chất lượng trước khi đi tiêu thụ. “Tất cả các hộ đăng ký sản xuất RAT đều có hợp đồng cam kết với HTX về việc sản xuất đúng quy trình và thu mua sản phẩm. Sau khi sơ chế, sản phẩm được đóng gói vào bao bì và dán tem nhận diện. Tem nhận diện ghi cụ thể ngày tháng, mã gia đình sản xuất. Nếu lấy mẫu xét nghiệm phát hiện rau có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng sẽ bị xử phạt. Chính vì kiểm soát chặt được nguồn gốc và có chế tài xử phạt nên các hộ tham gia sản xuất RAT đều chấp hành đúng quy trình”, ông Phạm Văn Dịch, Phó Chủ nhiệm HTX Đại Lan cho biết


Quả thật, có dịp trao đổi với bà con đang sản xuất trên cánh đồng, mọi người đều hiểu sự nguy hại của chất BVTV không rõ nguồn gốc bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính người trồng và người tiêu dùng. “Từ khi thực hiện quy trình kiểm soát rau an toàn, có thể thời gian thực hiện nghiêm ngặt hơn, thủ tục kiểm soát chặt hơn nhưng bà con hưởng ứng tham gia bởi thực tế dán tem nhận diện rau an toàn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, được giá hơn. Chẳng hạn giá cà chua trên thị trường là 5.000 đồng/kg nhưng bán 5.500 hoặc 6.000 đồng/kg vẫn tiêu thụ hết. Nhiều người tiêu dùng biết sản phẩm rau an toàn đã về tận những hộ sản xuất rau HTX đặt mua. Điều này cũng tạo sự yên tâm cho người sản xuất và để giữ vững chữ tín, thương hiệu vùng RAT thì các hộ càng nâng cao ý thức về trồng rau”, ông Dịch thừa nhận.


Bài và ảnh: Xuân Cường

 

Bài 2: Kiểm soát khâu lưu thông rau an toàn


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN