Để rau an toàn (RAT) trong quá trình lưu thông không bị trộn lẫn với rau thường, bên cạnh những điểm bán được cấp giấy chứng nhận, hình thức dán tem nhận diện đang là một biện pháp mà Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội kiểm soát và truy xuất nguồn gốc RAT.
Băn khoăn của người tiêu dùng
Tại chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy), có ba cửa hàng luôn tự giới thiệu là điểm bán rau an toàn nhưng điểm nhận diện khác với các điểm rau bán lẻ khác chỉ ở chỗ: bán theo lạng và ngồi trong sạp. “Khi có người mua, họ giới thiệu là RAT, khách hàng quen và tin vào lời người bán hàng chứ không có bằng chứng nào RAT, kể cả biển hiệu hay nhận biết nào khác. Giá thì thường đắt hơn điểm bán rau gồng gánh khác”, chị Thủy, một khách hàng thường mua rau ở đây, cho biết.
Tem nhận diện RAT bán lẻ. |
“Người tiêu dùng chúng tôi tự hỏi, có thời điểm hoa súp lơ bán ngoài thị trường 6 - 7.000 đồng/kg; nhưng tại các điểm phân phối RAT là 12.000 đồng/kg, liệu các nhà cung cấp có trà trộn hàng ngoài vào bán kiếm lời hay không? Bởi thực tế thỉnh thoảng lại có thông tin khi các cơ quan chức năng kiểm tra siêu thị vẫn phát hiện rau không an toàn. Do đó, chúng tôi cần thông tin minh bạch từ cơ quan nhà nước để tạo dựng lòng tin”, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 3, phường Nhân Chính (Thanh Xuân) bày tỏ.
Hiện các bà nội trợ chủ yếu phân biệt RAT qua kinh nghiệm, chẳng hạn cải bẹ muối dưa RAT thơm hơn và không bị ủng; cùng một quy trình muối dưa nhưng rau mua ngoài chợ ủng rất nhanh và mọi người đều phán đoán là có chất kích thích tăng trưởng. Chính vì vậy, để giúp người tiêu dùng phân biệt RAT, từ tháng 9/2012, Chi cục BVTV thành phố Hà Nội thực hiện dán tem nhận diện cho 29 cơ sở sản phẩm RAT.
Dán tem nhận diện
Các sản phẩm RAT sau khi được sơ chế, giám sát lấy mẫu của cán bộ BVTV, RAT được đóng gói bao bì và dán ngay tại cơ sở. “Mỗi cơ sở được cấp một mã số trên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hệ thống mã số này được đưa lên Sàn giao dịch rau quả và có sự kiểm soát của Chi cục BVTV, cùng với số điện thoại các cơ sở để người tiêu dùng có thể tra cứu, cùng tham gia kiểm soát nguồn gốc. Nhờ có tem này khi tiến hành kiểm tra mẫu, phát hiện mẫu rau không đúng chuẩn, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm cơ sở vi phạm”, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết.
Tem nhận diện RAT bán buôn. |
Tem nhận diện bán lẻ như dấu niêm phong có sự bảo đảm của cơ quan quản lý chuyên ngành là BVTV. “Tem nhận diện bán lẻ dán đè lên mép mở của bao bì, nếu tem rách, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ gọi điện đến cơ quan quản lý hoặc cơ sở sản xuất yêu cầu đổi hàng hoặc giữ lại sản phẩm để đem đi kiểm tra, tránh sự tráo đổi hàng”, chị Thu Hà, cán bộ giám sát của Chi cục BVTV hướng dẫn.
Hiện, Chi cục BVTV Hà Nội đang vận hành thử nghiệm loại hình tem nhận diện để lấy ý kiến của người sản xuất và tiêu dùng trên thực tế. “Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bởi tem nhận diện là hình thức quản lý khép kín chu trình, tránh việc hàng giả, kém chất lượng trà trộn vào RAT trong quá trình lưu thông. Sau khi thử nghiệm đã nhận được sự phản hồi tích cực của cơ sở và đã có cơ sở đến đăng ký tham gia việc dán tem nhận diện. Do đó, năm 2013 khuyến khích các cơ sở sản xuất RAT khác của Hà Nội dán tem. Chi cục BVTV đang xây dựng theo lộ trình và có thể đến năm 2015, chúng tôi sẽ tham mưu đưa vào quy định của thành phố bắt buộc các cơ sở sản xuất RAT phải dán tem”, ông Nguyễn Hồng Anh cho biết.
“Người sản xuất chúng tôi rất ủng hộ việc dán tem nhận diện RAT bởi đây là hình thức tạo lòng tin cho người dân và có thể truy xuất được nguồn gốc. Tất cả các hộ trồng RAT đều ký hợp đồng và cam kết với HTX về giá cả và dán tem nhận diện tại cơ sở để tạo chữ tín làm ăn lâu dài. Vấn đề bây giờ là ngành chức năng mở rộng tuyên truyền để người tiêu dùng biết tem nhận diện này”, ông Phạm Văn Dịch, Phó Chủ nhiệm HTX Đại Lan cho biết.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, hình thức dán tem nhận diện cũng sẽ được áp dụng với RAT từ các tỉnh về Hà Nội, bởi việc này sẽ giúp truy xuất nguồn gốc của rau. “Với những cơ sở sản xuất RAT chân chính, họ hoàn toàn ủng hộ việc này bởi dán tem là hình thức tự bảo vệ chính họ, phân biệt với các loại rau khác”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết.
Việc kiểm soát RAT là vấn đề nan giải bởi từng bó rau giá trị nhỏ, bảo quản ít ngày và việc xử phạt vi phạm về rau không an toàn theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đồng nghĩa có sự kiểm soát của 3 ngành: công thương, y tế, nông nghiệp. Do mặt hàng rau có thời gian bảo quản ngắn nên biện pháp chính là tuyên truyền giáo dục. Trường hợp phát hiện rau ở chợ có dư lượng hóa chất cao, muốn xử phạt từ phía ngành nông nghiệp phải truy xuất được nguồn gốc. Đó cũng là lý do phải dán tem, bởi RAT có bao bì, nhãn mác nơi sản xuất, nếu phát hiện vi phạm mới xử lý được.
Đại diện Sở Công Thương thừa nhận, rau bán ngoài chợ không có cơ sở nhận biết về nguồn gốc sẽ khó xử phạt, nếu có nghi ngờ đem đi xét nghiệm quay lại hỏi người bán, họ sẽ chối không biết mua ở đâu. Do đó, việc dán tem nhận diện sẽ giúp quản lý được nguồn gốc của sản phẩm trong quá trình lưu thông và từ đó sẽ giám sát đơn vị sản xuất được chặt chẽ, đúng luật.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Bài cuối: Phát triển điểm bán rau an toàn tại khu dân cư