Tuy nhiên, qua rà soát của Ban Quản lý dự án 7, khối lượng công việc còn lại của dự án vẫn còn nhiều, tập trung chủ yếu ở các hạng mục cần hoàn thiện có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao như: Nền móng mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, công nghệ thông tin cầu đường... Bên cạnh đó, các nhà thầu thi công dự án cần hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu đúng yêu cầu chủ đầu tư và đảm bảo đủ các điều kiện khai thác mới đưa vào vận hành.
Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, khẩn trương rà soát để xử lý triệt để các hạng mục còn tồn đọng đã được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng yêu cầu, đảm bảo chất lượng công trình.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang là 1 trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025, có tổng vốn đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng, khởi công từ ngày 1/1/2023, do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Công trình dài hơn 83 km, có quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc tối đa 90 km/giờ. Cao tốc có điểm đầu giao với quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, kết nối với đường dẫn phía Nam hầm Cổ Mã và đường cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong; điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, nối tiếp với đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm.
Giai đoạn phân kì, tuyến đường có mặt cắt ngang đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5 km/điểm, bề rộng nền đường 17 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc sẽ phát triển 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
Theo đề xuất của liên danh nhà thầu thi công, dự án đã cơ bản hoàn thiện đoạn tuyến cao tốc dài 68,35 km từ nút giao Vạn Giã (Km290+00) kết nối với đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và có thể đưa vào vận hành khai trong tháng 1/2025. Cao tốc được chia thành 2 gói thầu xây lắp: Gói thầu XL01 (từ Km285 - Km337+500) do Liên danh CTCP Lizen (LCG), CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành, CTCP Hải Đăng và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thi công; gói thầu XL02 (từ Km337+500 - Km368+350) do Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) thi công.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng công trình, vì vậy hiện nay, các nhà thầu vẫn tiếp tục triển khai và hoàn thiện dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án 7 và các cơ quan liên quan, mặc dù các nhà thầu thi công đã huy động tập trung mọi nguồn lực tài chính, máy móc, vật tư, nhân lực...; chủ động xử lý vướng mắc, tinh thần làm việc vượt nắng thắng mưa, tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành, mang lại hiệu quả kinh tế, phát huy hiệu quả đầu tư và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhưng nhiều hạng mục phụ trợ còn lại của dự án vẫn chậm tiến độ so với mục tiêu. Để đảm bảo vận hành, khối lượng công việc nghiệm thu cần hoàn thiện song song.
Ban Quản lý dự án 7 tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu không lơ là, chủ quan, khẩn trương rà soát để xử lý triệt để các hạng mục còn lại, giám sát chặt chẽ chất lượng thi công, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu, thiết bị phụ trợ sử dụng cho công trình, đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, nghiệm thu của dự án, nhất là trong công tác thảm bê tông nhựa (thành phần cấp phối, hỗn hợp nhựa, thiết bị thi công, sơ đồ lu, nhiệt độ lu). Riêng đối với các hạng mục có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật như đường đầu cầu, khe co giãn, lan can, dải phân cách… cần kiểm tra và xử lý ngay các vị trí không đạt yêu cầu.