Bài 3: Khắc phục bất cập về các loại phí

Cụ thể hóa lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách quy định trong Nghị quyết, Thành phố Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa việc thực hiện quy định mới một số mức phí, tăng phí phù hợp với điều kiện thực tế.

Trước mắt, thành phố xây dựng 2 đề án liên quan phí gồm điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường và một số vỉa hè.

Mức phí cũ không còn phù hợp

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện đặc thù kinh tế, thương mại, đô thị hoá của thành phố cũng như thói quen lâu đời của người dân, việc quản lý và cho phép cho người dân tạm sử dụng lòng đường, hè phố để đỗ xe trên một số tuyến đường, trong khuôn khổ quy định vừa đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước cũng như nhu cầu của người dân.

Nơi đỗ xe có thu phí dành cho ôtô trên đường Lê Lai, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Năm 2013, UBND thành phố ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND về danh mục 42 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí và sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, sau đó điều chỉnh xuống còn 35 tuyến đường. Tuy nhiên, việc thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường, hè phố lại được thực hiện theo Quyết định số 245/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh với mức thu 5.000 đồng/xe/lượt. Trong khi đó, phí đậu xe ô tô tại các bãi, hầm để xe của các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng mức thu đỗ xe bình quân từ 10.000 - 25.000 đồng cho 1 giờ đầu tiên và lũy tiến cho các giờ tiếp theo.

Theo UBND thành phố, đây là mức phí quá thấp, dẫn đến các trường hợp lợi dụng để biến lòng đường thành bãi tạm dừng đỗ xe, thời gian đỗ xe kéo dài cả ngày trong khi mục đích chính của việc bố trí đỗ xe tạm thời dưới lòng đường có thu phí nhằm giải quyết nhu cầu đỗ xe chính đáng của các đối tượng khách vãng lai do chưa quen thuộc tình hình giao thông tại khu vực trung tâm thành phố hoặc các đối tượng có nhu cầu giải quyết công việc trong thời gian tạm dừng đỗ ngắn. Cũng vì mức phí thấp nên không đủ trang trải chi phí của các quận huyện, dẫn đến một số nơi nhân viên tự thu cao hơn mức phí quy định.

Là cơ quan xây dựng đề án, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết, do mức phí đậu xe từ trước đến nay chỉ có 5.000 đồng/xe/lượt (không quy định thời gian) nên nhiều người đã đậu xe từ sáng đến chiều trên nhiều tuyến đường, gây ùn ứ. Sau khi rà soát, xác định lại chỉ có 35 tuyến/42 tuyến đường đủ điều kiện cho phép đậu xe, trên cơ sở đó Sở Giao thông Vận tải đưa vào đề án.

Tương tự, trong lĩnh vực thu phí môi trường, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm hiện nay đều đóng cùng mức phí cố định 1.500.000 đồng/năm là còn thấp, chưa hợp lý. Hiện trên địa bàn thành phố có gần 2.790 cơ sở sản xuất đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày đêm) với tổng mức thu 8 tỷ đồng mỗi năm.

Từ cơ sở trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải điều chỉnh mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo lưu lượng xả thải (nhằm khuyến khích tiết kiệm nước, giảm xả thải) và theo mức độ ô nhiễm (nhằm khuyến khích đầu tư xử lý nước thải, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường) và đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Mặt khác, việc điều chỉnh mức phí còn bổ sung một phần kinh phí cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

Điều chỉnh phù hợp thực tế

Theo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường và một số vỉa hè, mức phí điều chỉnh tăng 20% so với mức giá trông giữ xe tại các trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng; được điều chỉnh theo giờ; phương tiện chỉ được tạm dừng đỗ trên lòng đường hè phố khi người sử dụng phương tiện có sử dụng ứng dụng công nghệ thu phí thông minh.

Về mức cụ thể, xe đến 9 chỗ và xe tải dưới (hoặc bằng) 1,5 tấn: giờ 1 và giờ 2 thu phí từ 20.000 - 25.000 đồng/xe/giờ, giờ 3 và giờ 4 thu phí 25.000 - 30.000 đồng/xe/giờ, từ giờ thứ 5 trở đi mỗi giờ thu 30.000 - 35.000 đồng/xe/giờ, còn xe đỗ qua đêm thu 120.000 - 150.000 đồng/xe/giờ.

Xe từ 10 chỗ đến 16 chỗ, xe tải có tải trọng trên 1,5 tấn và dưới (hoặc bằng) 2,5 tấn giờ 1 và giờ 2 thu 25.000 – 30.000 đồng/xe/giờ, giờ 3 và giờ 4 thu 30.000 - 35.000 đồng/xe/giờ, từ giờ thứ 5 trở đi thu 35.000 - 40.000 đồng/xe/giờ, đỗ xe qua đêm thu từ 150.000 – 180.000 đồng/xe/giờ.

Với mức phí dự kiến nêu trên, UBND thành phố cho biết nếu quản lý tốt nguồn thu, bình quân mỗi tháng thành phố thu về 31 tỷ đồng (thu trên 35 tuyến đường của Quận 1, 3, 5, 10, 11). Về việc sử dụng nguồn phí thu, số thu phí nộp ngân sách được xác định trên nguyên tắc tổng số thu sau khi trừ đi chi phí các bộ phận có liên quan (chi phí nhà mạng, đơn vị cung cấp phần mềm, chi phí hành thu của các quận).


Ở góc độ đảm bảo an toàn giao thông, Thượng tá Trần Văn Phương, Phó Trưởng phòng PC67 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Đề án sẽ góp phần cùng lực lượng cảnh sát giao thông lập lại trật tự lòng lề đường. Để đề án triển khai thành công, theo Thượng tá Trần Văn Phương cần lưu ý các tuyến đường có nhiều giao lộ, khi sơn kẻ vạch đặt vị trí xe đậu cần chọn vị trí phù hợp, tránh xa các trường học để tránh gây kẹt xe, ùn ứ; không nên sử dụng hè phố cho xe đậu vì diện tích hè phố hiện nay không đủ cho người đi bộ sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan tổ chức thu phí cũng cần có quy định về việc đảm bảo tài sản phương tiện ô tô thu phí (như gương, kính xe…) để tránh các tranh chấp, phát sinh dân sự về sau khi xảy ra mất mát, hư hỏng.

Đối với lĩnh vực môi trường, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất tăng cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày đêm nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm.

Các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải rồi nhân với 1,5 triệu đồng, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải. Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở với tổng lượng nước thải khoảng 173.000m3/ngày đêm. Khi thu phí theo phương thức mới, dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh thu được 60 tỷ đồng/năm.

Về những tác động cụ thể việc tăng  phí này, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: Việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các chủ nguồn thải, khuyến khích tiết kiệm nước, giảm xả thải, đầu tư xử lý nước thải, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường, đồng thời cũng đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.

Nguồn kinh phí tăng từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ đóng góp vào ngân sách góp phần cải thiện môi trường, từ đó tăng chất lượng sống của người dân, sức khỏe được cải thiện nên giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao năng suất lao động, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng tính gắn kết cộng đồng.

(Bài 4: Phát huy nguồn lực con người)


Anh Tuấn - Xuân Tình - Xuân Dự (TTXVN)
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 1: Tạo động lực phát triển  mới
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 1: Tạo động lực phát triển mới

Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN