Hiện nay, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến quan hệ cung - cầu méo mó.
“Thách thức ở đây chính là vấn đề tái cơ cấu, điều chỉnh lại cơ cấu giá điện bán lẻ trong bối cảnh chi phí sản xuất điện ngày càng cao, vốn đầu tư rất lớn. Tôi cho rằng cần thiết có sự điều chỉnh để bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đủ năng lực tài chính chi trả cho các nhà đầu tư nhưng tránh ảnh hưởng quá nặng đến nền kinh tế và người dân”, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh cho hay.
Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 63/2013/QĐ-TTg qui định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam; trong đó quy định từ năm 2015 đến 2016 thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh thí điểm, từ 2017 đến năm 2021 thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh, từ năm 2021 đến 2023 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm, từ sau năm 2023 thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh. Luật Điện lực ban hành năm 2004 cũng đã qui định rõ về thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.
“Đây chính là phương sách xử lý tắc nghẽn và phức tạp về thiếu điện và lỗ lớn. Tất cả các loại hàng hóa đều theo thị trường, riêng giá điện không theo thị trường nên hai bên mua bán thường xảy ra vướng mắc về giá. Đầu vào liên tục tăng giá còn đầu ra vài năm mới được tăng chút ít là trái với qui luật thị trường”, ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch EVN nhận xét.
Theo ông Đào Văn Hưng, từ khi có Luật Điện lực cách đây 19 năm và Quyết định 63 của TTCP đến nay đúng 10 năm, cơ quan tham mưu vẫn chưa soạn thảo xong qui định, hướng dẫn thực hiện trong khi hơn 70 quốc gia có thị trường điện, có nước hình thành thị trường điện gần 100 năm. Riêng Philippines có chỉ số điện lực thấp hơn Việt Nam mà đã có thị trường điện từ lâu.
“Khi có thị trường điện thì thuận mua vừa bán. Nhà máy sản xuất điện nào bán giá đắt thì hôm đó sẽ phải đóng cửa. Giá điện sẽ dao động và dần về giá hợp lý. Nhà đầu tư có lợi nhuận sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, không lo thiếu điện”, nguyên Chủ tịch EVN chia sẻ.
Sau khi kết thúc thời gian hưởng cơ chế giá ưu đãi FIT của các dự án điện gió và điện mặt trời, có 85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.676 MW không kịp đưa vào vận hành thương mại đúng tiến độ và hiện đang chờ cơ chế giá mới.
Để xây dựng khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xác định khung giá phát điện. Căn cứ theo đó, EVN đã lập và trình Bộ Công Thương kết quả tính toán khung giá phát điện.
Từ kết quả này, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên, mức giá theo Quyết định số 21 không nhận được sự đồng tình từ các nhà đầu tư và cho đến nay, việc đàm phán giá mua bán điện cho loại hình năng lượng tái tạo này vẫn gặp khó.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, thách thức ở đây không chỉ là với nhà đầu tư mà còn với EVN. Qua các buổi trao đổi trong thời gian qua, cần phải có nhiều hướng dẫn cho các cuộc đàm phán, nhưng đến giờ, dường như vẫn chưa cụ thể, tạo ra sự hiểu khác nhau, hoặc các chỉ dẫn chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình đàm phán mua điện giữa EVN và chủ đầu tư.
Chưa có giá mua bán điện chính thức từ cơ quan chức năng, trong khi mức giá mua điện tạm thời được đánh giá là chưa đủ để giúp doanh nghiệp trang trải chi phí vận hành, lãi vay. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN đã tập trung đàm phán với các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đàm phán, thống nhất giá tạm, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt để nhanh chóng đưa các dự án đã hoàn thành xây dựng vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh cho biết, gần đây Bộ Công Thương đã đưa ra các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, điều chỉnh liên quan đến tính toán, đàm phán giá điện, điều kiện áp dụng cho các dự án điện chuyển tiếp. Tất cả các vấn đề rà soát, điều chỉnh thông tư, quyết định cho các dự án điện chuyển tiếp này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Bộ Công Thương. Về lâu dài, phải phân rõ các dạng năng lượng tái tạo khác nhau sẽ phải có cơ chế áp dụng khác nhau.
Trở lại câu chuyện ngành điện có thể thấy dù việc ban hành Quy hoạch Điện VIII đã thỏa mãn được yêu cầu phác họa tương lai của hệ thống điện Việt Nam trong thời gian tới, nhưng vẫn cần xây dựng kế hoạch, các giải pháp triển khai cụ thể, thiết thực thì mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra; trong đó có mục tiêu bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, ngay sau khi Quy hoạch VIII được ban hành, điều mà các nhà đầu tư ngóng chờ hiện nay chính là cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch, cơ chế và giải pháp triển khai cụ thể để các dự án có thể tiến tới bước xây dựng và vận hành hiệu quả.
Theo ông Hà Đăng Sơn, trong thời gian tới, khi triển khai Quy hoạch điện VIII sẽ phải có kế hoạch đồng bộ, đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác trong câu chuyện xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng… cũng như có thể hướng tới vấn đề xuất khẩu công nghệ, xuất khẩu điện như trong Quy hoạch điện VIII.
Thiết nghĩ, song song với việc phát triển hệ thống điện thì trước mắt việc tiết kiệm điện vẫn phải trở thành một ý thức thường trực đối với toàn xã hội. Việc điều tiết các phụ tải sử dụng điện; hạn chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tốn điện, lợi dụng điện giá rẻ của Việt Nam; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ bắt buộc phải triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt trong mùa hè nắng nóng năm nay.
Hãy nhìn ra nhiều nước xung quanh như Ấn Độ, Bangladesh, thậm chí Trung Quốc cũng đang đối diện với việc cắt điện luân phiên. Vấn đề hiện nay là Chính phủ, các bộ ngành chức năng cần tìm biện pháp trước mắt cũng như giải pháp căn cơ lâu dài “cứu” điện. Nếu chậm trễ và không quyết liệt, thì hai năm tới, cái giá phải trả sẽ là những cú sốc khó lường, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà liên quan tới cả xã hội.