Nhân Ngày Nước Thế giới 22/3, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Ngày Nước Thế giới năm nay lấy chủ đề là “Nước với Biến đổi khí hậu”, vậy ông có thể cho biết cụ thể về chủ đề này?
Theo số liệu thống kê, trên toàn cầu hiện có khoảng 663 triệu người vẫn chưa được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, đảm bảo về sức khỏe và vệ sinh môi trường. Ngay cả đối với những người có khả năng tiếp cận thì các dịch vụ về nước thường không đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu" nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của việc tăng cường an ninh nguồn nước, thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Việc tập trung vào chủ đề này cũng đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, về sự thay đổi điều kiện khí quyển và đại dương đang định hình lại chu trình thủy văn toàn cầu hiện nay.
“Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn; Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau”. Đây là thông điệp mà Ủy ban Nước Liên hợp quốc (UN-Water) công bố trong Ngày Nước Thế giới 2020. Do vậy "Chúng ta không thể chờ đợi! Các nhà hoạch định chính sách khí hậu phải đặt nước là trung tâm của các kế hoạch hành động. Nước có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu! Chúng ta cần có các giải pháp về vệ sinh và nước một cách bền vững với chi phí hợp lý. Tất cả mọi người đều có vai trò trong vấn đề Nước và biến đổi khí hậu. Ngay cả các hộ gia đình cũng cần có phương án sử dụng nước hiệu quả hơn".
Ngày nước Thế giới năm 2020 hướng tới tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu. Vậy ông có thể cho biết, Việt Nam cần làm gì để hướng tới tính bền vững?
Mối liên hệ rõ ràng giữa nước và biến đổi khí hậu trong một thời gian dài đã bị bỏ qua tại các Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế. Biến đổi khí hậu làm tăng cường độ và tần suất của thiên tai và các sự kiện cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. Ủy ban Nước Liên hiệp quốc cũng dự đoán 2/3 dân số thế giới sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025. Có thể nói, biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với chúng ta đã từng dự báo. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay. Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt... như chúng ta đã thấy. Điều đó cũng chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường.
Vì vậy, việc quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung vào giải pháp xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, đặc biệt là lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát vệc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến; tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước. Giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng ban hành; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư. Thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Cần đổi mới cơ chế, tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước từ trung ương đến các cấp ở địa phương.
Ông có thể chia sẻ những dự báo, nhận định về tình trạng hạn hán trong năm 2020?
Nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định và cảnh báo từ những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 và đã thông báo đến các bộ, ngành, địa phương. Theo dự báo thì từ tháng 1 đến tháng 6/2020, dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cụ thể là Bắc Bộ 20-50%, Trung Bộ và Tây Nguyên từ 40-70%; dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông các tháng đầu năm thấp hơn từ 20-45% và trong nửa cuối tháng 2-3/2020 ở mức thiếu hụt so với năm 2016 là 5-20%. Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40-75% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70-80%, nhiều hồ chỉ đạt 40-50%.
Như vậy, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, nhất là từ tháng 4 và tháng 5 sẽ rất cao khi bắt đầu mùa nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng cao... Ở các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.
Vậy cần thực hiện những biện pháp như thế nào để hạn chế tác động và thích nghi với diễn biến hạn hán hiện nay, thưa ông?
Từ đầu tháng 12/2019 đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành, có địa phương cũng đã chủ động đề xuất điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ, nhưng hiện nay các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước tối thiểu hoặc nâng dần lên để có thể đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn.
Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai)… Cục đã trình lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp, để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa không cấp tới được. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán; đồng thời chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiến hành xây dựng Quy hoạch Tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!