An ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu - Bài 1: Thách thức và giải pháp

Việt Nam được dự báo là một trong năm quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, đặc biệt tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Trước những thách thức nêu trên, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải giảm thiểu nước thải, tái sử dụng và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Để làm rõ vấn đề này, TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về “An ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu”.

Bài 1: Thách thức và giải pháp

Chú thích ảnh
Hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri có sức chứa khoảng 1 triệu m3 nước hiện đã bị nhiễm mặn. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

An ninh nguồn nước là một cộng đồng có khả năng tiếp cận nguồn nước một cách đầy đủ về số lượng và chất lượng chấp nhận được, bảo đảm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đời sống con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cũng như chống lại những hiểm họa về thiên tai liên quan đến nước để phát triển kinh tế, xã hội, môi trường bền vững.

Tác động của biến đổi khí hậu

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết an ninh nguồn nước được đánh giá cho quy mô cấp quốc gia và cấp lưu vực sông. Theo đó, có 5 trụ cột chủ yếu gồm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt đô thị; sinh hoạt nông thôn; kinh tế (kinh tế năng lượng, sản xuất công nghiệp…); môi trường và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Hiện Việt Nam đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu bất thường và khan hiếm tài nguyên nước trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu là hệ quả của sự gia tăng sự phát thải các loại khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O, CFC…) làm nghẽn nhiệt trong bầu khí quyển Trái đất, dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và nước biển dâng.

Biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi các quy luật phân bố nguồn nước trên toàn cầu. Các hiện tượng thiên tai cực đoan như bão tố, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, sạt lở... sẽ gia tăng với cường độ lớn hơn và tần suất xuất hiện cao hơn. Hệ quả là các kế hoạch cung ứng nguồn nước trở nên mất an toàn và chịu chi phí cao hơn. Biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 15 tỷ đô la Mỹ/năm, tương đương 5% GDP (số liệu năm 2010). Theo Tổ chức DARA International: Nếu không có giải pháp ứng phó hữu hiệu, thiệt hại về kinh tế của Việt Nam sẽ lên khoảng 32 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 và có thể lên đến 40 tỷ đô la Mỹ vào năm 2050. Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng sinh kế và đe dọa sức khỏe của hơn 90 triệu người dân hiện nay. Mất an ninh nguồn nước nghiêm trọng sẽ tạo ra những làn sóng di dân trên diện rộng, làm rối loạn trật tự xã hội và các thiết chế văn hóa dân tộc. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Tại Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước. Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỉ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mê Kông. Ngoài ra, tình trạng suy thoái cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước càng trở nên phổ biến hơn. Cạnh tranh khai thác, sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp có xu hướng ngày càng gay gắt hơn, nhất là trong mùa khô. Suy giảm rừng đầu nguồn, sử dụng nước lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp, dẫn đến chưa bảo đảm việc sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu ở nhiều khu vực, lưu vực sông. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng phải hứng chịu nhiều loại thiên tai cực đoan và bất thường trong những năm gần đây. Theo đó, thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm tới 1-1,5% GDP của Việt Nam.

Hơn nữa, nguy cơ mất an ninh nguồn nước cũng có thể xảy ra khi khả năng cung ứng nước an toàn theo thời đoạn bị trở ngại. An ninh nguồn nước bị đe dọa khi nguồn nước không đủ về số lượng, chưa đạt về chất lượng và thiếu đáp ứng về thời gian. Khó khăn trong quản trị nguồn nước của Việt Nam cũng là lý do an ninh nguồn nước bị đe đọa, nguyên nhân chính là do chồng chéo bởi nhiều bộ, ngành cùng quản lý; nhiều đầu tư cho công nghiệp gây ô nhiễm; thiếu cơ chế quản trị nguồn nước hữu hiệu; kinh phí cải thiện chất lượng nguồn nước sông ngòi thiếu nghiêm trọng; chiến lược dài hạn kiểm soát ô nhiễm nước chưa rõ ràng và cụ thể; đặc biệt còn bị động trong đối phó với các vấn đề thủy điện ở thượng nguồn…

Cần kết hợp nhiều giải pháp cụ thể 

Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam phải nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng, chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra.

Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - đó là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng; thay đổi tư duy phát triển từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển công nghiệp đa dạng; tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long vì lợi ích chung của đất nước, của tiểu vùng sông Mê Kông và quốc tế.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Việt nhận xét: Việt Nam nên nhận diện và đánh giá đúng các nguy cơ cho nguồn nước ở từng lĩnh vực, khu vực vùng và cả quốc gia; rà soát các yếu kém, mâu thuẫn trong quản trị và các thể chế về nguồn nước quốc gia để tìm cách cải thiện chính sách; đồng thời xây dựng một chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề nước xuyên biên giới; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, vấn đề công bằng giới và tạo điều kiện cho các phản biện, góp ý khoa học.

Sử dụng tài nguyên đất và nước “thuận thiên” (tức là trọng tâm đặt vào con người, dựa vào thiên nhiên để thích ứng, chọn giải pháp theo đánh giá rủi ro); thích ứng dựa vào hệ sinh thái dẫn dến tiết kiệm chi phí hơn, hiệu quả về tài chính, đa lợi ích... áp dụng các bước chọn giải pháp “không hối tiếc” cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Tìm giải pháp thích ứng phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhân lực, kinh tế hướng đến điều chỉnh chính sách, tiêu dùng phù hợp với hoàn cảnh; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lịch thời vụ, để phục hồi tốt hơn dưới các bất thường thời tiết và biến đổi khí hậu. Xây dựng công trình lớn và thiết bị hiện đại hơn nhằm kiểm soát tự nhiên, chấp nhận hy sinh môi trường nhằm ứng phó tốt hơn điều kiện thay đổi tự nhiên và tập quán phục vụ sản xuất kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, cần hướng tới giải pháp cắt giảm công nghiệp xả thải thiếu kiểm soát; siết chặt luật lệ về kiểm soát nguồn nước; tiếp tục đối phó với các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới, lưu ý tới vấn đề thủy điện; chia sẻ nguồn nước theo liên kết vùng; quan trắc và giám sát chất lượng nước; tăng cường bảo tồn nguồn nước và sử dụng nước hợp lý; đặc biệt là sự tham gia của người dân trong quản trị nguồn nước.

Bài 2: Kinh nghiệm của một số nước phát triển 

Diệu Thúy (TTXVN)
Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia
Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 4 tháng 12 năm 2019, theo đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch này. Theo quy định của Luật Quy hoạch, thời hạn thực hiện lập quy hoạch trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ được phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN