Việc này gần như ngay lập tức đã tác động đến thị trường gạo thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, động thái mới của Ấn Độ không chỉ mang lại thách thức mà còn cả cơ hội cho Việt Nam.
Không gây bất ngờ
Bà Phan Mai Hương, chuyên gia thị trường, đồng sáng lập chuyên trang về thị trường lúa gạo quốc tế SSRicenews, phân tích: Tháng 7/2023 trong khi nhu cầu lương thực thế giới tăng cao, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng và áp thuế với gạo đồ của Ấn Độ, quốc gia chiếm tới hơn 40% sản lượng gạo xuất khẩu gạo toàn cầu là động thái gây bất ngờ, trực tiếp tạo nên cơn sốt giá gạo trong thời gian dài sau đó. Tuy nhiên, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo mới đây lại không phải là bất ngờ lớn, thậm chí đã được các chuyên gia dự báo trước khoảng 3 tháng.
Theo bà Phan Mai Hương, sau thời gian dài hạn chế xuất khẩu, Ấn Độ đã tích trữ lượng lớn lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và điều tiết được giá gạo ở thị trường nội địa. Mùa vụ thuận lợi cũng khiến sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm 2024 cao kỷ lục, điều này đẩy mức tồn kho tăng lên, buộc nước này phải xả hàng.
Việc Ấn Độ mở kho xuất khẩu gần như ngay lập tức tác động đến thị trường lúa gạo thế giới khi nguồn cung dồi dào hơn. Trong khi châu Phi - khách hàng truyền thống của Ấn Độ đón nhận tin vui vì có thể mua mua được gạo với giá rẻ hơn thời gian vừa qua các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Pakistan, Myanmar, Thái Lan chịu áp lực cạnh tranh và liên tục có động thái điều chỉnh giảm giá xuất khẩu.
Với Việt Nam, bà Phan Mai Hương cho rằng, nguồn cung lúa gạo những tháng cuối năm không còn nhiều vì vụ Đông Xuân có sản lượng lớn nhất đã thu hoạch từ đầu năm, vụ Hè Thu và Thu Đông sản lượng thấp. Thuận theo mùa vụ và được giá cao, các doanh nghiệp cũng đã tranh thủ chạy chỉ tiêu xuất khẩu trong nửa đầu năm.
Đặc biệt, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhiều cánh đồng mất trắng. Trong bối cảnh đó, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long phải ưu tiên để bù đắp cho phần sản lượng hao hụt của miền Bắc, cân đối cung cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến cuối năm.
Về phân khúc, Việt Nam hầu như không còn sản xuất, xuất khẩu gạo trắng mà tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao; xuất khẩu chính sang Philippine, Indonesia, Trung Quốc…Có thể nói, gạo Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp về chủng loại và khách hàng với gạo Ấn Độ, do đó áp lực từ việc Ấn Độ xuất khẩu gạo trắng trở lại là không lớn. Tuy nhiên, theo xu hướng chung của thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam những ngày qua vẫn có sự điều chỉnh giảm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice đánh giá, việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo là bình thường và không khiến doanh nghiệp Việt Nam bất ngờ. Thay vào đó, đây được xem là động thái tích cực, bổ sung nguồn cung gạo cho thế giới trong bối cảnh cơn bão Yagi (bão số 3) và lũ lụt sau bão ảnh hưởng đến vụ mùa của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia khiến sản lượng gạo khu vực này sụt giảm. Cũng chịu thiệt hại nặng nề, sau bão Yagi, Trung Quốc đang phải tăng nhập khẩu gạo để phục vụ nhu cầu của người dân những tháng cuối năm.
Cũng cần xác định rằng, nguồn cung gạo trắng bổ sung từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu thị trường châu Phi và một số nước Trung Đông, không thể thay thế cho các loại gạo thơm mà Việt Nam đang xuất khẩu đi các thị trường Philippine, Indonesia, Trung Quốc. Chi phí vận chuyển gạo từ Ấn Độ sang các quốc gia khu vực Đông, Đông Nam Á cũng cao hơn từ Việt Nam và Thái Lan.
Về giá cả, ông Phan Văn Có cho biết, khi có thêm nguồn cung, các nhà nhập khẩu sẽ có tâm lí mong muốn giá gạo giảm xuống để mua vào dự trữ. Mặc dù vậy, vào thời điểm này, tổng cung gạo thế giới không quá dồi dào, trong khi gạo Việt Nam xuất khẩu là gạo thơm, chất lượng cao đã lập được mặt bằng giá riêng. Do đó, nhận định chung của các nhà xuất khẩu là giai đoạn này giá gạo thế giới và Việt Nam sẽ chững lại, sau đó có thể tăng nhẹ vào cuối năm. Nếu thời tiết thuận lợi, sau cân đối tiêu thụ nội địa, xuất khẩu gạo Việt Nam cả năm 2024 sẽ tương đương năm 2023.
Cơ hội thu mua
Là một trong những nước xuất khẩu gạo top đầu thế giới, nhưng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng dần qua từng năm. Do đó, việc Ấn Độ xuất khẩu gạo trắng trở lại được đánh giá sẽ giúp hoạt động nhập khẩu gạo của Việt Nam thuận lợi hơn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng 57,3% so với cùng kỳ và vượt qua cả tổng kim ngạch nhập khẩu gạo cả năm 2023. Ước tính đến cuối năm, nhập khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục, khoảng 1,3 tỷ USD.
Hiện tượng này được doanh nghiệp lý giải, nhiều năm nay, khi Việt Nam cơ cấu lại giống, ưu tiên sản xuất gạo thơm phục vụ xuất khẩu, nông dân hầu như không còn sản xuất các loại gạo trắng có phẩm cấp thấp. Để có nguyên liệu chế biến bún, phở, bánh tráng, nấu bia, sản xuất thức ăn chăn nuôi,… doanh nghiệp Việt Nam chọn nhập khẩu gạo trắng, gạo tấm từ Ấn Độ, Myanmar, Pakistan và Campuchia có giá thấp hơn nhiều so với gạo trong nước. Khi ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển, bún, phở, bánh tráng Việt Nam được xuất khẩu ngày càng nhiều thì nhu cầu nhập khẩu gạo nguyên liệu tăng lên là điều tất yếu.
Trong bối cảnh đó, bà Phan Mai Hương cho rằng, việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến Việt Nam có thêm nguồn cung. Đáng chú ý, đợt bán hàng này của Ấn Độ là gạo lưu kho trong hơn một năm qua nên chất lượng không được như gạo mới nhưng phù hợp với nhu cầu nguyên liệu chế biến.
“Mặc dù việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đi kèm với điều kiện áp dụng giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn, nhưng thực tế Ấn Độ không quy định cụ thể mức giá sàn trên cho chủng loại và phẩm cấp nào. Do đó, cả người bán và người mua có thể linh hoạt lựa chọn giao dịch gạo có phẩm cấp và giá bán phù hợp với nhu cầu. Theo quan sát của giới phân tích, hiện đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ chào bán gạo trắng, gạo tấm với giá rất cạnh tranh. Doanh nghiệp có thể tranh thủ mua vào để phục vụ nhu cầu chế biến cho những tháng cuối năm”, bà Phan Mai Hương nói thêm.