Chủ tịch TREA, ông Chookiat Ophaswongse cho biết, việc Ấn Độ quay trở lại thị trường, trong khi việc đồng baht của Thái Lan đạt mức cao nhất trong 30 tháng qua (32,37 baht đổi 1 USD vào hôm 30/9), đã làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, khiến doanh thu của họ giảm sút.
Giá bán buôn gạo trắng Thái Lan (loại 5% tấm) đã giảm mạnh từ 22 baht (0,67 USD)/kg vào đầu năm nay xuống còn 16-16,5 baht (khoảng 0,48 USD)/kg vào thời điểm hiện tại.
Giá gạo giảm cũng kéo theo giá lúa bán tại ruộng giảm từ 10.000 baht (303 USD)/tấn trong khoảng thời gian Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, xuống chỉ còn 8.000-9.000 baht (242-272 USD)/tấn vào hôm 30/9 vừa qua.
Giá gạo Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh các nhà xuất khẩu gạo của nước này tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh khi gạo trắng Ấn Độ sẽ chào bán mạnh mẽ ra thị trường sau khi kết thúc lệnh tạm dừng xuất khẩu kéo dài một năm.
Ngoài Ấn Độ, Thái Lan còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia, những quốc gia có chi phí sản xuất thấp hơn, năng suất cao hơn và đồng tiền yếu hơn giúp họ có lợi thế về giá.
Ông Chookiat nhấn mạnh: “Thương mại gạo toàn cầu có khả năng sẽ giảm trong một hoặc hai tuần đầu tiên sau khi Ấn Độ nối lại xuất khẩu, với việc người mua đang chờ đợi và quan sát để đánh giá xu hướng giá”. Ông cũng lưu ý rằng sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào năm tới, xuất phát từ việc lượng mưa nhiều hơn do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Niña.
Sản lượng gạo tăng có thể sẽ khiến các nước nhập khẩu gạo giảm bớt lượng nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán Indonesia sẽ cắt giảm lượng gạo nhập khẩu hàng năm từ 4 triệu tấn xuống chỉ còn 1,5 triệu tấn vào năm tới.
Những diễn biến tiêu cực này có thể sẽ khiến tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm từ 8,5-8,7 triệu tấn trong năm nay xuống còn khoảng 6 triệu tấn vào năm 2025. Trong khi đó, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo số một thế giới, dự kiến sẽ xuất khẩu từ 18-19 triệu tấn trong năm nay và thậm chí còn nhiều hơn vào năm 2025.
Việt Nam cũng đang chuẩn bị vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau khi chuyển chiến lược sang xuất khẩu các loại gạo cao cấp, bao gồm các loại gạo thơm và gạo mềm có giá trị cao hơn.
Ông Chookiat kêu gọi Chính phủ nước này cần có giải pháp thúc đẩy khả năng cạnh tranh lâu dài của gạo Thái Lan bằng cách khẩn trương thực hiện các biệp pháp cải cách nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, cùng với việc tăng cường nghiên cứu và phát triển để gia tăng giá trị sản phẩm.