AEM Retreat 27: Thông qua 10 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 27 (AEM Retreat 27) đã diễn ra trong 2 ngày 2-3/3 theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị đầu tiên của các Bộ trưởng Kinh tế trong năm 2021. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu cùng đại diện của các bộ, ngành liên quan và các đơn vị trong bộ tham dự hội nghị.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đại diện Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: moit.gov.vn

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua 10 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Brunei trong Năm Chủ tịch ASEAN 2021. Các sáng kiến, ưu tiên này được xây dựng theo 3 định hướng chính: Phục hồi, số hóa và tính bền vững, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như thuận lợi hóa thương mại, du lịch, năng lượng, công nghệ thông tin, khoáng sản, phát triển bền vững…

Đáng lưu ý, trong số các sáng kiến được đưa ra và ủng hộ, có nhiều sáng kiến mang tính kế thừa các nội dung hợp tác của ASEAN đã và đang được triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là việc tiếp nối những kết quả hợp tác của năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN.

Hơn nữa, với bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã thảo luận về nhiều nỗ lực của ASEAN trong việc phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch để vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, đặc biệt là việc mở rộng Danh mục hàng hóa thiết yếu của ASEAN nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Danh mục này là sáng kiến được thông qua bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã được tổ chức vào ngày 10/11/2020 theo hình thức trực tuyến tại Việt Nam và sẽ tiếp tục được thảo luận nhằm mục tiêu mở rộng thêm, ngay trong những tháng đầu năm 2021.

Chú thích ảnh
Hội nghị AEM Retreat 27 diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: moit.gov.vn

Đặc biệt, hội nghị cũng đã thống nhất các ưu tiên nghị sự thường niên năm 2021 trong kênh kinh tế bao gồm 68 nội dung khác nhau, thuộc các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa di chuyển của lao động có tay nghề và khách kinh doanh, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa...

Phát biểu tại hội nghị, Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến của Brunei trong năm Chủ tịch ASEAN 2021, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để thực thi các mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chia sẻ với các nước kinh nghiệm và nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế trong khi vẫn thực thi đúng các cam kết trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+.

Ngoài các nội dung thảo luận về hợp tác kinh tế nội khối, các Bộ trưởng cũng thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế ngoại khối như rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA), hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU).

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đều cho biết đang cố gắng triển khai thủ tục phê chuẩn Hiệp định RCEP sớm để góp phần vào quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trong khuôn khổ hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có phiên tham vấn với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN nhằm trao đổi về các khuyến nghị của Hội đồng trong một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, xử lý các biện pháp phi thuế quan và tăng cường hợp tác công tư trong khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Uyên Hương (TTXVN)
ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar giải quyết bất ổn chính trị
ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar giải quyết bất ổn chính trị

Kể từ khi quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ rồi nắm quyền, quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào một vòng xoáy bất ổn chính trị, biểu tình liên miên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN