ADB: Cộng đồng Kinh tế ASEAN khó ra mắt đúng hạn

Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tiến trình đàm phán để thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC) đang bước vào giai đoạn khó khăn, khiến cho kế hoạch “ra mắt” AEC vào cuối năm 2015 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á chưa chắc sẽ thành hiện thực.

Để trở thành một cộng đồng thống nhất, các quốc gia thành viên ASEAN cần thực hiện cải cách, bao gồm dỡ bỏ rào cản thương mại, thúc đẩy trao đổi hàng hóa và hài hòa hóa các tiêu chuẩn, luật lệ quy định, nhằm tạo ra một thị trường đơn nhất, nền tảng sản xuất chung có tính cạnh tranh cao, đồng thời tăng cường sự gắn bó giữa các nước thành viên trong tổ chức.

Tuy đạt được những tiến bộ nhưng các cuộc đàm phán liên quan đến cải cách đang vấp phải nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua. Những khó khăn đó liên quan đến vấn đề loại bỏ hàng rào phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và thu hẹp khoảng cách phát triển.


Theo báo cáo trên, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan là những nước đạt được những kết quả đáng chú ý trong cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư. Trong khi đó, các thành viên mới là Campuchia, Lào , Myanmar và Việt Nam lại đang tụt ở phía sau.

Theo đánh giá của ASEAN, tính đến tháng 3/2013, ASEAN mới chỉ đạt được 76,5% mục tiêu về AEC đặt ra trước đó, chưa kể đến những mục tiêu mới được bổ sung thực hiện trong giai đoạn từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2015 (ngoài 15 nhiệm vụ hoàn tất trước). Điều đó cho thấy rằng tiến độ cải cách dường như đang chậm lại chứ không phải tăng tốc.

Tuy nhiên, khó khăn đối với AEC không chỉ dừng lại ở việc đạt được mục tiêu vào cuối năm 2015, thử thách thật sự nằm ở những năm sau đó khi AEC chính thức đi vào hoạt động. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để thực thi các hiệp định về AEC trong bối cảnh việc này đòi hỏi những thay đổi về luật quốc gia hay thậm chí là Hiến pháp tại mỗi nước thành viên.


Mặc dù vậy, giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho AEC khi ASEAN và ba nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN + 3) vừa nhất trí hợp tác trong chương trình tiếp cận và thúc đẩy các sản phẩm nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015-2019, góp phần hỗ trợ thực thi lộ trình xây dựng của AEC (giai đoạn 2009-2015) và những năm sau đó.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2007 đã xác định AEC có bốn trụ cột – thị trường đơn nhất và công xưởng chung, khu vực cạnh tranh về kinh tế, phát triển bình đẳng và hội nhập vào nền kinh tế thế giới – và 17 thành tố cơ bản cùng 176 hành động ưu tiên. ASEAN hy vọng việc thành lập AEC, gồm 10 nước thành viên, với dân số là 620 triệu người và GDP 2.200 tỷ USD, sẽ góp phần thúc đẩy sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như đội ngũ lao động lành nghề giữa các quốc gia thành viên.


Phương Nga
(Theo THX, Kyodo)
Năm 2025 ASEAN vượt Nhật Bản về quy mô kinh tế
Năm 2025 ASEAN vượt Nhật Bản về quy mô kinh tế

Quy mô kinh tế của khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN