37% sản lượng nông sản liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 37% sản lượng nông sản đã được sản xuất và tiêu thụ theo các hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Đa dạng nông sản Việt được quy hoạch vào vùng nguyên liệu của kênh phân phối hiện đại. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Đến nay, cả nước có 2.510 chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đến người tiêu dùng trên toàn quốc với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà ...).

Cùng với đó, có 7.558 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 56 tỉnh thành phố và 1.558 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: Thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Asutralia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản, tăng cường chế biến sâu, ngành nông nghiệp đã có nhiều đề án phát triển chế biến rau quả, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi, cây công nghiệp chủ lực, rau an toàn tập trung, sắn… Nhờ đó, cả nước có trên 13.000 cơ sở chế biến nông sản, với trên 620 cơ sở giết mổ tập trung, trên 5.200 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản (đa ngành).

Riêng cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu là hơn 850 cơ sở; cơ sở quy mô nhỏ phục vụ tiêu thụ nội địa khoảng 3.500 cơ sở. Tổng sản phẩm thủy sản chế biến đạt khoảng 3 triệu tấn (tương đương khoảng 6 triệu tấn nguyên liệu/năm), giá trị sản phẩm chế biến tăng bình quân về giá trị đạt 5,1%/năm.

Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 9.616 sản phẩm so với cuối năm 2020; hoàn thành và vượt mục tiêu được giao đến năm 2025. Có 7.846 chủ thể OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp; trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân về liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi vẫn còn có những hạn chế. Các địa phương còn chậm trong việc ban hành cơ chế, chính sách để cụ thể hóa và phù hợp với nguồn lực, điều kiện của địa phương.

Một số điều kiện quy định để được hưởng chính sách liên kết quá chặt chẽ, ví dụ như quy định phải có thời gian liên kết ổn định 3 năm hoặc 3 chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, do tỷ lệ (%) hỗ trợ của nhà nước trong dự án liên kết thấp nên hợp tác xã khó có khả năng đối ứng và doanh nghiệp ít quan tâm.

Bích Hồng (TTXVN)
Lần đầu tiên Tuyên Quang xuất khẩu sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế
Lần đầu tiên Tuyên Quang xuất khẩu sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế

Ngày 11/10, tại huyện Yên Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND huyện Yên Sơn và Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội) tổ chức Lễ xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Vương quốc Anh (đợt 1) năm 2024. Đây là lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang xuất khẩu sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN