Theo đó, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn hoàn thiện theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết chủ đề "10 năm xây dựng nông thôn mới: Sẵn sàng cho giai đoạn mới" với cái nhìn đa chiều về chương trình từ những mô hình thực tế tại địa phương, kết quả, thành công đến những vấn đề cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong giai đoạn tới.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Đồng thời, đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã cán đích trước 1 năm so với mục tiêu Quốc hội đề ra và sẵn sàng cho giai đoạn mới.
Thành tựu nổi bật
Nam Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 10/10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là tỉnh điển hình trong xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - Nguyễn Phùng Hoan cho biết, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tính bình quân mỗi xã tăng 13,2 tiêu chí so với năm 2010; đến tháng 7/2019 có 10/10 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay tỉnh Nam Định đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Để đạt được kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải thực hiện tốt quy chế dân chủ để mọi việc liên quan đến huy động nguồn lực của dân là phải công khai, minh bạch, hiệu quả. Bên cạch đó, thực hiện xã hội hóa một số nội dụng để huy động thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
"Trong lúc chờ đợi Bộ tiêu chí mới của Chính phủ ban hành thì Nam Định đã ban hành bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh, cũng như bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đó, tỉnh hướng cho các địa phương tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng tập trung nâng cao tất cả các tiêu chí; trong đó đặc biệt chú trọng đến chất lượng cuộc sống, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm vừa tạo công ăn việc làm cho nông dân vừa chuyển dịch kinh tế nông thôn" - ông Hoan nhấn mạnh.
Ngoài Nam Định, còn rất nhiều tỉnh, thành phố khác đã có những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến tháng 10/2019, có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 4 huyện (Hải Hậu, Nam Định; Nam Đàn, Nghệ An; Đơn Dương, Lâm Đồng và Xuân Lộc, Đồng Nai) được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, để tổng kết, đánh giá phục vụ xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới 10 năm thực hiện, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chúng ta đã tập trung nguồn lực rất tổng thể từ trung ương đến địa phương, từ người dân đến doanh nghiệp, từ các cấp và điều này đã góp phần làm thay đổi được bộ mặt của nông thôn Việt Nam. Đã có rất nhiều tiêu chí, địa phương, vùng miền đã vượt được các mục tiêu đặt ra.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, ngoài việc thực hiện các tiêu chí thì quan trọng hơn chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu và chất lượng. Minh chứng là ý thức của người dân đã thay đổi rất nhiều nhờ sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
"Nếu như trước đây, chúng ta vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thì hiện nay rất nhiều nơi người dân đã tự nguyện và xin tham gia xây dựng nông thôn mới. Một điểm nữa là bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt so với trước khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, y tế, nhà văn hoá..." ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể, mức chênh lệch thu nhập của người dân nông thôn so với thành thị đã giảm 2,1 lần năm 2010, và đến nay chỉ còn 1,85 lần. Hiện nay, bình quân thu nhập của người dân vùng nông thôn đã đạt 35,9 triệu đồng.
Ngoài ra, môi trường và văn hoá cũng được nhiều địa phương quan tâm, đã có những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, nhiều nơi đã trở thành "miền quê đáng sống"...
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, vẫn còn những hạn chế như khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền còn lớn, thậm chí có cả khoảng cách ngay tại từng tỉnh, từng xã. Ví dụ, tại Đồng bằng sông Hồng có 84% số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì khu vực miền núi phía Bắc chỉ đạt 27,7%. Môi trường tại khu vực nông thôn vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Hay nước thải chưa được xử lý triệt để; nhiều nơi đã bê tông hoá, làm mất đi cảnh quan của nông thôn...
Sẵn sàng cho giai đoạn mới
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã từng nói: "Đây là chương trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc".
Như vậy, mỗi giai đoạn của Chương trình xây dựng nông thôn mới lại có những nội dung khác nhau, và đích cuối cùng vẫn chính là người nông dân nông thôn, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Đối với giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, để chuẩn bị cho giai đoạn tới (2021 - 2025), Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hướng tới một số vấn đề như biến đổi khí hậu; đô thị hoá gắn với nông thôn mới, vấn đề này ngay trong giai đoạn vừa qua (2016 - 2020) đã có một đề án xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá. Trên thực tế, trong quá trình xem xét công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới thì cũng là quá trình xem xét lên cấp quận, thị xã. Như vậy, nếu không tính đến yếu tố này việc đầu tư sẽ bị lãng phí.
Bên cạnh đó, ưu tiêu tối đa tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn từ nguồn vốn Trung ương. Đồng thời, tăng cường vai trò trách nhiệm của các địa phương trong việc huy động nguồn lực tại chỗ cho xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền. Đặc biệt, bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn...
Ông Tiến cũng kiến nghị với Quốc hội, ưu tiên bố trí tăng nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo hỗ trợ được các địa phương vùng khó khăn, đặc thù có đủ nguồn lực để đạt chuẩn nông thôn mới, cũng như hỗ trợ các địa phương đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài 2: Rạng ngời gương mặt nông thôn mới