10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Đi lên từ xuất phát điểm thấp

Về đích trước 3 năm, đứng ở vị trí “top” đầu và là tỉnh đầu tiên có huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong khu vực miền núi phía Bắc, là kết quả nổi bật sau 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ.

Bộ mặt nông thôn "thay da đổi thịt", đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, tuy nhiên để giữ “top” và giữ chuẩn vẫn là bài toán đặt ra đối với tỉnh. Vậy tỉnh Phú Thọ sẽ có cách làm gì để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong giai đoạn tới?

Bài 1: Đi lên từ xuất phát điểm thấp

Là tỉnh miền núi, từ khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Phú Thọ có đến 51 xã đạt dưới 5 tiêu chí, 220 xã đạt dưới 10 tiêu chí, chỉ có 27 xã đạt trên 10 tiêu chí. Tính bình quân cả tỉnh  chỉ đạt 6,5 tiêu chí. Với xuất phát điểm rất thấp, việc lựa chọn địa phương làm điểm được tỉnh Phú Thọ cân nhắc kỹ lưỡng. 

Từ mô hình điểm thành công

Sau khi nghiên cứu, tỉnh đã chọn xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao là một trong ba xã của tỉnh thực hiện thí điểm. Có nhiều lợi thế là đất đai màu mỡ, mạng lưới giao thông thuận lợi, nhưng khi triển khai, xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều tiêu chí quan trọng như cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo đều thấp. 

Lãnh đạo xã Sơn Dương cho biết, trước thực tế khó khăn tại địa phương, xã đưa chương trình xây dựng nông thôn mới ra bàn bạc dân chủ, công khai; lựa chọn các hạng mục, tiêu chí ưu tiên; có kế hoạch triển khai, lộ trình rõ ràng trên cơ sở phân tích tình hình thực tế và nguồn lực có khả năng đáp ứng để thực hiện các hạng mục, tiêu chí đã xác định. Nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, kết hợp sức mạnh của nội lực trong nhân dân,  xã Sơn Dương đã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ sau 4 năm triển khai. 

Ông Trần Hoàng Giang, Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao cho biết, so với các địa phương khác trong tỉnh, Lâm Thao có nhiều thuận lợi hơn khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh, ruộng đồng bằng phẳng, đất đai màu mỡ; có mạng lưới giao thông thuận lợi. Nhưng quy mô sản xuất của huyện lại nhỏ, chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, việc dồn đổi ruộng đất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn vốn phân bổ hàng năm từ ngân sách Trung ương thấp, nguồn ngân sách tỉnh hạn chế, việc huy động sức dân để đầu tư các công trình còn gặp khó khăn…

Chú thích ảnh
Bộ mặt nông thôn "thay da đổi thịt" nhờ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Ảnh: baophutho.vn

Từ thực tế tại địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thành đề án quy hoạch của 12 xã; đồng thời lựa chọn lộ trình cho từng xã; lựa chọn danh mục dự án, chương trình để ưu tiên bố trí vốn tập trung đầu tư, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí đồng bộ, đạt chuẩn theo quy định.

Để nâng cao đời sống vật chất cho người dân, huyện Lâm Thao đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết 4 nhà; tận dụng lợi thế về đất đai, huyện đã quy hoạch 5 điểm sản xuất lúa tập trung tại 12 xã với quy mô 100ha/vùng, bằng các giống lúa lai chất lượng cao; mở rộng hàng trăm hecta vùng nuôi thủy sản, sản xuất ngô giống, sản xuất rau an toàn tạo thành vùng hàng hóa lớn; xây dựng mô hình liên kết sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại và hộ chăn trên địa bàn… Nhờ đó năng suất, sản lượng lúa trên 63,5tạ/ha, là huyện đầu tiên của tỉnh có giá trị sản xuất bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2018 đạt 39 triệu đồng. 

Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu về giao thông, thủy lợi, trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở… Tính từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho kết cấu hạ tầng toàn huyện đạt 4.986 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 74%, vốn đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân đạt 26%. Nhờ huy động nhiều nguồn vốn, toàn bộ các công trình trường học, trạm y tế, chợ nông thôn được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa. Số trường đạt chuẩn Quốc gia chiếm trên 90%; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế cơ sở, giai đoạn 2011-2020; cả 14 xã và thị trấn của huyện Lâm Thao đều đã tiến hành quy trình xử lý phân loại và thu gom rác thải theo đúng quy trình. 

Với những nỗ lực, năm 2015 huyện Lâm Thao được Thủ tướng chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới và là huyện thứ 15 trong cả nước và là huyện đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.

Vươn lên “top” đầu

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, giai đoạn đầu triển khai, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, lúng túng trong triển khai thực hiện; nhiều địa phương vẫn trông chờ vào đầu tư của nhà nước; tuyên truyền, vận động ở một số địa phương còn hạn chế…

Trong bối cảnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động lồng ghép các nguồn lực, phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; thành lập bộ máy quản lý, điều hành đồng bộ từ tỉnh đến huyện đến khu dân cư;  ban hành nhiều văn văn bản, hướng dân; giao sở ngành phục trách từng tiêu chí; thường xuyên kiểm tra giám sát thực hiện chương trình…

Sau 10 năm, tỉnh đã huy động được hơn 12.600 tỷ đồng từ các nguồn lực. Nguồn vốn này đã được tỉnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, môi trường… Các xã đạt tiêu chí nông thôn mới cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra giao thông 55,1%; thủy lợi 92,7%; giáo dục 90,7%; y tế 74,9%; văn hóa 89,9%; cơ sở vật chất văn hóa 80,6%; hạ tầng thương mại nông thôn 87%...

Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và nhân rộng, qua đó góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những năm qua đạt 5,03% (cao hơn bình quân chung của cả nước 2,92%). Tính đến tháng 8/2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 29,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm (năm 2010 là 20,3%; năm 2018 xuống còn 7,1%).

Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị , tổ chức đoàn thể cùng tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sau gần 10 năm tỉnh Phú Thọ đã có 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 37,7%, 13/13 huyện, thành, thị đều có xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí đạt 15,0 tiêu chí/xã, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trước 3 năm. Trong đó, huyện Lâm Thao đạt huyện nông thôn mới từ năm 2015; 3 địa phương là thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy cũng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài 2: Giải bài toán phát triển kinh tế

Đào An-Tạ Toàn (TTXVN)
10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Có điểm khởi đầu, không điểm kết thúc
10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Có điểm khởi đầu, không điểm kết thúc

Giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn đang là mục tiêu đặt ra trong thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ ở giai đoạn tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN