10 năm xây dựng nông thôn mới -  Bài 2: Giải bài toán phát triển kinh tế

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng và có tính quyết định trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tại địa phương, đưa kinh tế vượt qua “cửa ải” khó khăn, vươn lên phát triển bền vững.

Thực tế khó khăn tại địa phương

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thu nhập (tiêu chí 10) được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò nội lực thúc đẩy kinh tế, xã hội ở các địa phương. Đạt được tiêu chí này đang là  “cửa ải” đối với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Tại xã miền núi Văn Luông (huyện Tân Sơn), để đạt tiêu chí thu nhập là vô cùng khó khăn, thách thức đối với xã. Thực tế tại xã, cơ cấu kinh tế chủ yếu là thuần nông, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của xã còn manh mún, nhỏ lẻ. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế.

Chú thích ảnh
Huyện Tân Sơn xây dựng các khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: baophutho.vn

Để tăng mức thu nhập, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, chăn nuôi, trang trại tổng hợp, dịch vụ; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế như cây chè. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những giải pháp đó chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn chứ chưa thực sự phát huy được hiệu quả nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn.

Ông Phan Minh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Sơn cho biết, ngoài Văn Luông thì hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều gặp khá khó khăn trong thực hiện tiêu chí 10 (thu nhập) vì phần lớn lao động là thuần nông, đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng. Lộ trình xây dựng nông thôn mới của các xã đang trong quá trình “leo dốc” với quá nhiều tiêu chí khó vượt; trong đó, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí thu nhập. Các tiêu chí này đều cần nguồn vốn lớn và sự hỗ trợ của nhà nước và ủng hộ doanh nghiệp, cá nhân và đặc biệt sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân.

Sau gần 10 năm  thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ đã có 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13/13 huyện, thành, thị đều có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 154 xã chưa đạt chuẩn, chiếm 62,3% số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Tiêu chí thu nhập (tiêu chí 10) vẫn là “cửa ải” đầy khó khăn đối với các xã đã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp phát triển lâu dài

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, để giải quyết tiêu chí khó này, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. 

Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và đã chi hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển mạnh các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của địa phương; 8 chương trình trọng điểm, khuyến khích phát triển gồm sản xuất cây lượng thực; phát triển cây chè; phát triển thủy sản; phát triển rừng; chăn nuôi lợn thịt, bò thịt chất lượng cao; cây ăn quả; phát triển nông nghiệp cận đô thị và đẩy mạnh cơ giới hóa đã được triển khai.

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất thiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thâm canh cao. Như vùng sản xuất chè Thanh Sơn, Tân Sơn; vùng sản xuất bưởi đặc sản Đoan Hùng; vùng chăn nuôi gà, lợn công nghệ cao Tam Nông, Thanh Ba… Cùng với đó, tỉnh còn chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống và phát triển các ngành nghề nông thôn như: Chế biến, bảo quản nông, lâm sản; sản xuất thủ công mỹ nghệ; chế biến mây tre đan; rau an toàn…

Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực thế mạnh như chè, gỗ, chăn nuôi cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ chế ưu đãi về giải quyết các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai và nghiên cứu dự án đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp.  

Hiện nay, tỉnh thu hút được 72 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, có 62 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3.479 tỉ đồng; 27 dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với số vốn đăng ký đầu tư 2.166 tỉ đồng. Nhiều dự án đầu tư lớn đã đi vào hoạt động, như: Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK, quy mô đàn gà đẻ 250.000 con, cung cấp 175 triệu quả trứng/năm; dự án chăn nuôi gà giống và gà đẻ trứng thương phẩm sản xuất trứng gà sạch của Công ty Hòa Phát với công suất thiết kế 170 triệu quả/năm; dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO tại huyện Tam Nông ...

Nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểm mới được thành lập, nhiều hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được tỉnh quan tâm phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng tổng sản phẩm xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ lao động khu vực nông thôn. Đến hết năm 2018, tỉnh Phú Thọ có 342 hợp tác xã nông nghiệp, có 471 trang trại hoạt động đảm bảo tiêu chí theo quy định; trong đó, có 33 hợp tác xã, 58 trang trại, gia trại tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giá trị ước đạt trên 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có hàng chục hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP.

Bằng những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn phù hợp đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 147/247 xã đạt tiêu chí thu nhập, chiếm 59,5%; tăng 121 xã so với năm 2011; có 197/247 đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,8 triệu đồng/người/năm, tăng 8,3 triệu đồng so với năm 2015.  

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện có kết quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân; xây dựng các chương trình, đề án, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng rộng, tính ứng dụng cao; xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: chè, cây ăn quả... mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa áp dụng các tiêu chuẩn an toàn; chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm; bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn và triển khai có kết quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bài cuối: Có điểm khởi đầu, không điểm kết thúc

Đào An-Tạ Toàn (TTXVN)
10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Có điểm khởi đầu, không điểm kết thúc
10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Có điểm khởi đầu, không điểm kết thúc

Giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn đang là mục tiêu đặt ra trong thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ ở giai đoạn tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN