Thủy sản giảm giá, khó tiêu thụ tại Kiên Giang

Hiện nay, hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản tại tỉnh Kiên Giang có giá thu mua đều giảm, nhưng chi phí thu hoạch, vận chuyển tăng cao hơn so với thời điểm trung tuần tháng 7/2021 trở về trước; trong đó, nhiều sản phẩm thủy sản giảm giá mạnh, khó tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Cua biển ở Kiên Giang giảm giá mạnh. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, mặt hàng thủy sản nuôi không qua chế biến tiêu thụ chậm do chưa kết nối được tiêu thụ với số lượng lớn cá nuôi lồng bè trên biển như cá bớp, cá mú… khoảng 350 tấn ở các huyện Kiên Hải, An Biên và hai thành phố Hà Tiên, Phú Quốc.

Tiếp đến, mặt hàng tôm càng xanh tồn đọng hơn 330 tấn, tập trung ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh. Tổ chỉ đạo sản xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối tiêu thụ sản phẩm này, nhưng gặp nhiều khó khăn do thương lái, nông dân không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để thu gom, bảo quản tôm sống, phân loại kích cỡ theo yêu cầu của đầu mối tiêu thụ.

Tại các huyện trọng điểm nuôi tôm trên địa bàn, sản phẩm tôm nuôi đều giảm giá. Cụ thể là tôm càng xanh kích cỡ 10 - 12 con/kg giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, giảm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng kích cỡ 100 con/kg giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; tôm sú kích cỡ 30 - 40 con/kg giá từ 160.000 - 190.000 đồng/kg, giảm từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, dự kiến sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch trong tháng 10/2021 toàn tỉnh khoảng 23.300 tấn; trong đó, một số sản phẩm chủ lực như tôm các loại khoảng 4.900 tấn, cá nuôi lồng bè trên biển 400 tấn, sò huyết 3.000 tấn, cua 1.500 tấn và các loại thủy sản nuôi khác.

Trong 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh thu hoạch hơn 204.330 tấn, đạt hơn 70% kế hoạch, với một số đối tượng chính gồm: tôm nước lợ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua biển, cá nuôi lồng bè trên biển và nhiều loại thủy sản khác.

Tổ chỉ đạo sản xuất thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với ngành chức năng, đơn vị có liên quan, địa phương tăng cường kết nối với các đầu mối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm này. Các sở, huyện và thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp đến các địa phương trong tỉnh thu mua, vận chuyển thủy sản nuôi, nhất là hỗ trợ nông dân thu hoạch tôm, bảo quản, phân loại kích cỡ theo yêu cầu của đầu mối tiêu thụ.

Mặt khác, các sở, ngành chức năng tỉnh tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu duy trì hoạt động sản xuất theo các phương án, nhất là sớm khởi động trở lại các nhà máy, xí nghiệp đã ngừng hoạt động. Từ đó, góp phần giải quyết, tiêu thụ thủy sản nguyên liệu cho nông dân.

Lê Huy Hải (TTXVN)
VCCI đề xuất điều chỉnh phương án đơn giản hóa Luật Thủy sản
VCCI đề xuất điều chỉnh phương án đơn giản hóa Luật Thủy sản

Phản hồi đề nghị của Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính về việc góp ý phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đề xuất cắt giảm 4/423 quy định về yêu cầu, điều kiện trong năm 2021, tức là chỉ chiếm 0,94% tổng quy định hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN