Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, loại thủy sản còn với số lượng lớn cần tiêu thụ chủ yếu là cá tra với hơn 1.000 ha chưa thu hoạch, tôm hơn 400 ha. Sản lượng tồn đọng một số loại thủy sản số lượng lớn như ếch và cá tra từ 100 - 2.000 tấn/ngày.
Do đầu mối cung ứng tại địa phương chưa cung cấp hàng đảm bảo số lượng, chất lượng khi doanh nghiệp đặt hàng, vì vậy, rất khó khăn khi liên kết tiêu thụ nông thủy sản của doanh nghiệp yêu cầu với số lượng lớn. Sản lượng thủy sản thu hoạch cần tiêu thụ trong tuần tới khoảng 7.180 tấn; trong đó, cá tra 6.213 tấn, tôm 25 tấn, cá lồng bè 97 tấn và 845 tấn thủy sản khác.
Ông Nguyễn Huấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hồng Ngự cho biết, địa phương hiện có khoảng 100 hộ nuôi lươn; trong đó có khoảng 20 hộ nuôi lươn sinh sản, bán con giống. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, toàn thành phố hiện còn trên 10 tấn lươn thương phẩm và gần 300.000 con lươn giống, chưa thể xuất bán. Giá lươn xuống thấp và không có thương lái thu mua nên nhiều hộ nuôi cũng đang cố gắng nuôi cầm cự qua ngày, dù lươn đã quá cỡ thu hoạch.
Ông Lê Văn Lợi ở ấp Tân Hòa Thuận, xã Tân Hội có 7 bồn, thả nuôi khoảng 4.000 con lươn. Qua hơn 24 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 400 - 700 gam/con, dù đã quá cỡ nhưng ông vẫn chưa bán được.
Theo ông Huỳnh Minh Trí - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Lai Vung, trong tháng 9, toàn huyện có hơn 3.300 tấn thủy sản đến kỳ thu hoạch cần được tiêu thụ. Nhiều nhất là cá tra với khoảng 2.800 tấn còn lại là cá lóc, cá rô, cá thác lác...
Trước những khó khăn của các hộ nuôi cá, ngành nông nghiệp huyện phối hợp cùng Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp kết nối với doanh nghiệp hoạt động theo “4 tại chỗ” là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Cỏ May nhằm tiêu thụ đầu ra cho mặt hàng cá tra ở huyện.
Trước hiện tượng tồn đọng số lượng lớn thủy sản các loại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp khuyến khích, hướng dẫn người dân duy trì sản xuất, thả nuôi với mật độ vừa phải, thực hiện thả nuôi rải vụ. Đối với các địa phương đầu nguồn, khuyến khích tận dụng lợi thế mùa nước nổi để nuôi nhử cá đồng, đồng thời phát triển các mô hình nuôi thủy sản mùa lũ nhằm tận dụng nguồn con giống và thức ăn tự nhiên, giảm chi phí đầu tư nhằm tiếp tục duy trì sản xuất nguồn cung thực phẩm ổn định, lâu dài.
Tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn cơ sở sản xuất khai báo thông tin và xây dựng phương án thu hoạch nhằm hỗ trợ lực lượng công đoàn được di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác thu hoạch, vận chuyển cá giống, cá thương phẩm không để sản xuất bị gián đoạn; đồng thời tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các địa phương cập nhật danh mục hàng hóa thủy sản đến kỳ thu hoạch và hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ. Ngành tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản qua kênh phân phối truyền thống, đồng thời cử đầu mối để kết nối tiêu thụ các loài thủy sản thông qua sàn giao dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sàn thương mại điện tử khác.