Đồng thời, thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, thông báo, quyết liệt yêu cầu 1.611 chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá mất kết nối tự khắc phục, mở lại kết nối theo đúng quy định.
Các phương tiện mất kết nối nói trên được xác định chủ yếu do nguồn điện cung cấp không ổn định, thời tiết diễn biến bất thường. Việc yêu cầu các phương tiện, tàu cá tự khắc phục, mở lại kết nối này là một trong những biện pháp, quyết tâm, nỗ lực của lực lượng Bộ đội Biên phòng nhằm góp phần cùng toàn hệ thống chính trị sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) trong hoạt động khai thác hải sản.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến thời điểm tháng 6 năm 2023, số lượng tàu cá của ngư dân nước ta đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đạt 97,65%, với 28.797 tàu trong tổng số 29.489 tàu. Số tàu cá chưa lắp đặt là 692 tàu và số phương tiện này chủ yếu nằm bờ, hết thời hạn đăng ký, đăng kiểm, không còn khả năng hoạt động. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một số ngư dân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng vẫn còn hạn chế, dùng nhiều thủ đoạn trốn tránh lực lượng chức năng như tháo hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS.
Đáng lưu ý, thời gian gần đây xảy ra tình trạng thuyền trưởng tự ý tháo gỡ thiết bị VMS gửi sang tàu khác để tránh bị lực lượng chức năng quản lý, giám sát vị trí tàu. Bên cạnh đó, trên thực tế đã xảy ra một số lỗi kỹ thuật làm mất tín hiệu do quá trình lắp đặt, vận hành xảy ra lỗi kỹ thuật; trong khi đó quy định này chưa thật sự rõ ràng, cụ thể nên việc xác định nguyên nhân rất khó khăn.
Trước những tồn tại trên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang tập trung các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm quy định về việc lắp, duy trì hoạt động của thiết bị VMS. Theo đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, khó khăn trong thực hiện; tham mưu, đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí lắp đặt, duy trì hoạt động của hệ thống VMS. Đồng thời, ban hành quy chuẩn quốc gia về thiết bị VMS và quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng do lỗi kỹ thuật, kể cả trách nhiệm chi trả chi phí cho chủ tàu cá khi cơ quan chức năng yêu cầu đưa tàu cá vào bờ để khắc phục thiết bị VMS bị mất kết nối do lỗi kỹ thuật.
Theo Thượng tá Trần Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý biên giới biển, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng: Xác định tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống khai thác IUU, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các địa phương có biển tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp với Hải quân, Cảnh sát biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng ở địa phương để duy trì tốt các kênh thông tin, thông báo, trao đổi tình hình, phối hợp kiểm tra thông tin. Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật theo các mô hình, chuyên đề, chuyên sâu về chống khai thác IUU; trao đổi, thống nhất với các lực lượng chức năng, tham mưu cho chính quyền địa phương công khai các vụ việc vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, cảnh báo về hậu quả hành vi khai thác IUU.
Đáng chú ý, hiện nay lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tăng cường tổ chức tuyên truyền chuyên sâu, thực hiện 180 ngày chống khai thác IUU. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã thành lập các mô hình có ý nghĩa, hiệu quả thiết thực, như: Mô hình "Tổ tàu thuyền an toàn"; "Tổ tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới biển", "Tổ tuyên truyền khu vực biên giới biển"; "Tổ, đội sản xuất an toàn trên biển"; "Câu lạc bộ phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển", "Khu dân cư vùng giáo tiên tiến và an toàn về an ninh, trật tự"; "Ăn sáng cùng ngư dân"… Đặc biệt, với mô hình "Tiếng loa Biên phòng" được cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền khắp các thôn, xóm, bến, bãi và tại các cảng, trạm kiểm soát Biên phòng…