Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.290 km², tiếp giáp một số quốc gia trong khu vực ASEAN kết nối giao thông đường biển, có bờ biển dài 200 km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ.
Với lợi thế, tiềm năng biển đảo đó, tỉnh Kiên Giang phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển vào năm 2025, nhằm tạo nền tảng vững chắc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh: “Tỉnh phát triển kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Phát triển kinh tế biển gắn với phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở các xã, huyện, thành phố ven biển, đảo. Trong phát triển kinh tế biển, tỉnh đẩy mạnh phát triển, nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển mũi nhọn, chủ lực như: Thủy sản, du lịch - dịch vụ biển, công nghiệp năng lượng, hàng hải…”
Kinh tế biển phát triển khá toàn diện
Những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang đã phát huy những tiềm năng, lợi thế về biển đảo, góp phần cho kinh tế - xã hội của tỉnh có bước tăng trưởng cao và ổn định. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, quy mô nền kinh tế của Kiên Giang năm 2020 đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó đóng góp quan trọng nhất là các ngành, lĩnh vực kinh tế từ biển.
Đến nay, kinh tế biển của tỉnh có bước phát triển khá toàn diện, chiếm 79,75% GRDP toàn tỉnh. Kiên Giang hoàn thành phê duyệt và triển khai nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển.
Lĩnh vực kinh tế thủy sản với nhiều tiềm năng, thế mạnh được Kiên Giang tập trung khai thác đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế biển. Theo đó, khai thác đánh bắt hải sản trên ngư trường gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản đạt sản lượng trên dưới 500.000 tấn/năm. Tỉnh từng bước tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng giảm dần tàu, thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, vừa góp phần phát triển bền vững nghề khai thác hải sản, vừa bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia.
Tiếp đến, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nhất là nuôi tôm nước lợ với các loại hình nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, tôm - lúa, quảng canh - quảng canh cải tiến. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 hơn 264.100 tấn; trong đó, tôm nuôi khoảng 92.490 tấn.
Cùng với đó, tỉnh phát triển nuôi cá lồng bè trên biển, quanh các đảo, nuôi cua, phát triển mạnh mô hình lâm - ngư kết hợp, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: Hến, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa… và một số đối tượng có giá trị khác. Tỉnh sắp xếp lại nuôi cá lồng bè trên biển gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở các bãi bồi, bãi triều ven biển hợp lý, phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên để tăng năng suất, sản lượng…
Lĩnh vực du lịch biển, hải đảo Kiên Giang đã và đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh với những địa danh du lịch nổi tiếng như: Đảo ngọc Phú Quốc, quần đảo Nam Du, quần đảo Bà Lụa, đảo Hải Tặc, Hòn Sơn Rái… từng bước góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vin Group, Sun Group, BIM Group, CEO… vào thành phố Phú Quốc với các dự án trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng giải trí cao cấp, quần thể sân golf hiện đại… có vốn đầu tư vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng.
Các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp đã đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách. Cụ thể như: Khu vui chơi giải trí Vinpearland, Khu bảo tồn chăm sóc động vật hoang dã Safari Phú Quốc, hệ thống cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm, Công viên chủ đề VinWonder Phú Quốc, Casino Phú Quốc, đi bộ dưới biển…; các khu du lịch sinh thái Núi Đèn, đầm Đông Hồ (Tp. Hà Tiên); khu đô thị Phú Cường, trung tâm mua sắm và vui chơi giải trí Vincom (Tp. Rạch Giá)… Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia Phú Quốc liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các dự án du lịch sinh thái.
Ngoài ra, 3 khu du lịch là quần đảo Hải Tặc, quần đảo Nam Du và Lại Sơn trên vùng biển Tây Nam bộ là những điểm đến có sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với những tiềm năng lợi thế đó, năm 2019, Kiên Giang đón hơn 8,7 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch; trong đó, khách quốc tế hơn 710.000 lượt khách; tổng thu từ du lịch trên 18.500 tỷ đồng. Năm 2020, ngành du lịch Kiên Giang rơi vào tình trạng chung “dở sống, dở chết” do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng, ngừng hoạt động.
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, tổng doanh thu ngành du lịch của tỉnh năm 2020 ước đạt 7.867 tỷ đồng, bằng 39,3% kế hoạch, giảm 57,7% so với năm 2019. Lượng du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh hơn 5,2 triệu lượt khách, đạt 55,8% kế hoạch, giảm 40,7% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế 184.953 lượt khách, bằng 24,7% kế hoạch, giảm hơn 74% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, “ngành công nghiệp không khói” này của Kiên Giang đang được kích cầu du lịch nội địa, từng bước phục hồi trong tình hình mới.
Ngoài ra, trong phát triển kinh tế biển, tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo. Kiên Giang huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng ven biển, hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm về giao thông, thủy lợi, điện, nước, cảng biển, sân bay, đường hành lang ven biển, khu neo đậu tàu thuyền, trường học, trạm y tế… cho các xã ven biển, hải đảo.
Các chính sách an sinh xã hội triển khai đến các xã ven biển, hải đảo, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng lên, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo Kiên Giang.
Còn bất cập trong phát triển kinh tế biển
Mặc dù, kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang có bước phát triển khá toàn diện, đạt nhiều kết quả đáng kể nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững.
Theo đó, ngư trường Kiên Giang bị khai thác quá mức, nguồn lợi thủy sản tự nhiên suy kiệt nghiêm trọng và hiệu quả khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân ngày càng thấp, giảm sút. Nuôi trồng thủy sản ven biển và nuôi biển phát triển chậm, chưa chủ động kiểm soát được dịch bệnh gây hại để bảo vệ đàn tôm, đàn cá nuôi đảm bảo an toàn, bền vững và hiệu quả.
Tiếp đến, du lịch biển của tỉnh lợi thế, tiềm năng lớn nhưng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại đảo Phú Quốc. Tỉnh có nhiều khu vực có nhiều tiềm năng du lịch biển lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác và phát triển tương xứng như: vùng Kiên Lương, Hà Tiên, Hòn Đất và phụ cận; 3 khu du lịch là quần đảo Hải Tặc, quần đảo Nam Du và Lại Sơn trên vùng biển Tây Nam bộ.
Ngành du lịch Kiên Giang chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch biển đa dạng, phong phú về chất lượng để thu hút du khách trong và ngoài nước, thiếu những dịch vụ biển đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao.
Mặt khác, công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế biển còn nhỏ lẻ. Hạ tầng phục vụ kinh tế biển chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là các trục giao thông ven biển kết nội liên vùng, cảng nước sâu và dịch vụ logistics. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của kinh tế biển Kiên Giang.
Vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật vùng ven biển, hải đảo của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển còn hạn chế. Biến đổi khí hậu, cùng với việc khai thác tài nguyên quá mức làm cho một số ngành kinh tế biển tăng trưởng chậm lại và có dấu hiệu sụt giảm…
Bài cuối: Phát triển các ngành chủ lực